Hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, với sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh ta đã thu được những kết quả nhất định. Trong 5 năm (2006-2010), toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 70.076 người, đạt 116,79% kế hoạch, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.

(NTO) Thông qua các dự án của chương trình như: Dự án vay vốn giải quyết việc làm; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; tăng cường năng lực đào tạo nghề… nhiều lao động ở địa phương đã có việc làm, thu nhập ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Ảnh: Duy Anh

Điển hình như hộ ông Đinh Văn Lâm, ở phường Văn Hải, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, thông qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm với số tiền 146 triệu đồng, không chỉ phát huy hiệu quả nguồn vốn vào cơ sở sản xuất may gia công của gia đình, ông Lâm còn tạo việc làm ổn định cho 34 lao động ở địa phương, thu nhập hàng tháng hơn 1,3 triệu đồng. Hay dự án Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Tân Nghiệp ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), từ nguồn vốn giải quyết việc làm 300 triệu đồng trong năm 2009, qua 2 năm, tổ hợp đã tạo việc làm cho 60 lao động địa phương, thu nhập bình quân trên 1,2 triệu đồng/tháng. Đồng chí Nguyễn Viết Hiếu, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: “Các chương trình, dự án đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người lao động, hình thành ý thức tích cực tham gia học nghề, tự tạo việc làm”.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, có thể nhận thấy trong những năm qua, nguồn vốn vay tạo việc làm chủ yếu từ quỹ quốc gia được Trung ương phân bổ, còn nguồn quỹ giải quyết việc làm của địa phương chưa được bổ sung nên chưa đáp ứng nhu cầu vốn cho nhân dân. Mặt khác, các dự án cho vay giải quyết việc làm chủ yếu là hộ gia đình nên nhìn chung chỉ tăng thêm thời gian làm việc, chưa tạo thêm được nhiều việc làm mới và tỷ lệ nợ quá hạn ngày càng cao. Nhu cầu sử dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh còn rất lớn, nhưng trình độ lao động của tỉnh chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề trong tỉnh mới hình thành hoặc mới được đầu tư, loại hình đào tạo nghề chưa đa dạng nên chưa thể thu hút lao động học nghề.

Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta đề ra mục tiêu giải quyết việc làm mới cho hơn 75.000 lao động từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm. Đồng chí Trần Anh Việt, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: “Giải quyết việc làm là một trong những vấn đề xã hội quan tâm, phải được triển khai thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, do vậy các cấp, các ngành và hội, đoàn thể trong tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ có hiệu quả cho người lao động có điều kiện tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội”.

Trước mắt, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực giải quyết việc làm và đào tạo nghề. Có chính sách và cơ chế huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động, trước hết là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề, các hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã. Thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố trong tỉnh, bởi đây là nơi người lao động và nhà tuyển dụng gặp nhau. Ngoài ra, ngành sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề, nhất là đối tượng thanh niên... cung cấp cho nhau những thông tin cập nhật nhất, có vậy mới giải quyết hiệu quả vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động mà mục tiêu tỉnh đề ra.