KỶ NIỆM 81 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15/10/1930-15/10/2011)

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo ‘’Dân vận’’ đăng báo “Sự thật”- cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng. Bài báo ngắn gọn nhưng hết sức súc tích, có giá trị lớn về lý luận và thực tiễn. Có thể nói, đây là cương lĩnh hoàn chỉnh về công tác dân vận.

(NTO) Từ đó Đảng ta luôn xác định công tác dân vận của Đảng và công tác vận động quần chúng là rất quan trọng trong suốt quá trình lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 2-9-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Cần tẩy sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh" đăng trên báo Nhân dân. Người chỉ rõ, bệnh quan liêu, mệnh lệnh nguy hiểm, nhiều cán bộ còn mắc bệnh này. Cách chữa là phải “Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều cơ bản”: 1- Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; 2- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; 3- Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; 4- Có khuyết điểm thì thật thà phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình bình; 5- Sẵn sàng học hỏi nhân dân; 6- Tự mình làm gương mẫu cần, kiệm, liêm chính, để nhân dân noi theo.

Trần Minh Lực
UVTV- Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào quần chúng phát triển hết sức mạnh mẽ, sâu rộng trong cả nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Rõ ràng công tác dân vận của Đảng ta ở cả hai miền Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không những đã kế thừa, mà còn phát triển, đã động viên đến mức cao nhất lực lượng của toàn dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà với chiến thắng lịch sử 30-4-1975.

Trong thời kỳ xây dựng kinh tế và đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng ta tiếp tục đổi mới, nâng cao công tác dân vận cho phù hợp với tình hình trong nước và thế giới.

Hội nghị lần thứ VIII Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Nghị quyết 8B, ngày 27-3-1990 về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”, gồm 4 nội dung: Một là, cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân; Hai là, động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ công dân; Ba là, các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; Bốn là, công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của Đảng đã nêu rõ: “Mọi cán bộ, đảng viên đều phải làm công tác dân vận theo chức trách của mình. Mọi cấp bộ Đảng chăm lo công tác dân vận, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng”

Ngày 25-2-2010, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế công tác dân vận của Hệ thống chính trị, đã xác định “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả công tác dân vận; thường xuyên quán triệt và thực hiện phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Trãi qua thực tiễn lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ tổ quốc của các thời đại, giai đoạn lịch sử của dân tộc, đặc biệt là từ năm 1930 đến nay từ khi có Đảng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì thế công tác dân vận luôn luôn được coi trọng và phát triển để phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Ở tỉnh ta, công tác dân vận luôn được chú trọng và phát triển đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp trong công tác ổn định chính trị xã hội, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.

Trong thời gian đến, với yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và tỉnh nhà, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị, nghị quyết và chủ trương tăng cường đẩy mạnh công tác dân vận trong tình hình mới như: Quyết định 2655-QĐ/TU ngày 15-6-2010 về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 15-8-2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận chính quyền giai đoạn 2011-2015 và UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị, văn bản để triển khai thực hiện như: Chỉ thị 24/2011/CT-UBND ngày 19-9-2011 về tăng cường công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất; Quyết định 470-/QĐ-UBND ngày 4-10-2011 của UBND tỉnh ban hành Đề án xây dựng các giải pháp công tác Dân vận chính quyền tỉnh Ninh Thuận thời kỳ CNH, HĐH giai đoạn 2011-2015; các văn bản chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo cán bộ, công chức cơ quan khi thực hiện các đề án, dự án phải thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, đối thoại giải quyết những thắc mắc, khiếu nại của nhân dân; cán bộ, công chức phải làm công tác dân vận trong công việc của mình.

Kỷ niệm 81 năm Ngày truyền thống Công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2011), toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang các cấp trong tỉnh khi triển khai thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương thức công tác dân vận:

“Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.

1-Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được;

2-Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh của địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành;

3-Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân;

4-Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Những điều đó được triển khai thực hiện rộng khắp trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà nhanh, bền vững trong những năm đến.