Với đà tăng trưởng này, xuất khẩu của VN trong cả năm nay sẽ đạt kỷ lục: 95 tỉ USD.
Nông dân xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk thu gom hồ tiêu tháng 8-2011
Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Đó là thông tin được ông Nguyễn Thành Biên, thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết tại Hội nghị giao ban xuất khẩu chín tháng đầu năm và giải pháp xuất khẩu năm 2012 tổ chức tại TP.HCM ngày 11-10.
Tăng gần 19 tỉ USD
"Bộ tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên tín dụng cho các doanh nghiệp mua nông - thủy sản để phục vụ sản xuất, xuất khẩu"
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên
Ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết xuất khẩu gạo đã đạt xấp xỉ 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện các hợp đồng gạo đã ký kết cũng đạt gần 7 triệu tấn, bằng với kế hoạch xuất khẩu của cả năm nay. Theo ông Bảy, không những liên tiếp trong ba năm qua xuất khẩu gạo đều đạt kỷ lục năm sau cao hơn năm trước, mà còn giúp đời sống người dân trồng lúa được nhiều cải thiện. Giá lúa mà các doanh nghiệp mua của người dân đến thời điểm này đạt trên 6.100 đồng/kg nên người trồng lúa có lời tối thiểu 80%, vượt xa mức 30% mà Chính phủ đề ra.
Trong khi đó, ông Đinh Vạn Tiến, trưởng ban xuất khẩu của Tập đoàn Cao su VN, cho biết trong chín tháng đầu năm nay xuất khẩu cao su VN đạt 2,27 tỉ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2010. Do nhu cầu sử dụng cao su trong ngành sản xuất vỏ ruột xe vẫn duy trì ở mức cao những tháng cuối năm trong khi nguồn cung có khả năng suy giảm, nên giá cao su sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao từ nay đến cuối năm. “Xuất khẩu cao su năm nay sẽ vượt mức kế hoạch đề ra là 3,2 tỉ USD”, ông Tiến nói.
Bên cạnh nông sản, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của VN là hàng công nghiệp và công nghiệp chế biến cũng có mức tăng trưởng ấn tượng khi thu về 46,7 tỉ USD, chiếm 66,6% tổng giá trị kim ngạch của cả nước và tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó dệt may đang giữ vị trí số một với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỉ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2010.
Giải thích về mức tăng trưởng của dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng được các đơn hàng thực hiện theo giá FOB, giảm dần các hợp đồng gia công có giá trị thấp. Ngoài ra, việc tìm kiếm và khai thác ở những thị trường mới cũng góp phần không nhỏ trong việc gia tăng kim ngạch. Chẳng hạn với thị trường Hàn Quốc, chỉ sau hai năm xuất khẩu thăm dò, quốc gia này đã vươn lên thành một trong bốn thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may với kim ngạch xuất khẩu dự kiến trong năm 2011 đạt 759-780 triệu USD, tăng 80% so với năm 2010.
Ông Biên cho biết với đà xuất khẩu của chín tháng đầu năm nay, trong ba tháng cuối năm cả nước sẽ phấn đấu xuất khẩu mỗi tháng khoảng 8 tỉ USD để nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm nay lên mức 94-95 tỉ USD so với mức 71,6 tỉ USD của năm 2010.
Các nhóm hàng xuất khẩu chính trong chín tháng đầu năm 2011
Đồ họa: Như khanh - Nguồn: Bộ Công thương
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Tuy nhiên, ngược với nhận định lạc quan của Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu những tháng cuối năm nay và năm tới của VN vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Công Hoàng, phó tổng giám đốc Công ty Cà phê VN (Vinacafe), cho biết mùa cà phê đã đến nhưng thị trường xuất khẩu cà phê sắp tới “tốt hay xấu đi hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách tín dụng của ngân hàng”. Theo ông Hoàng, các ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp có hợp đồng mới cho vay vốn là một yêu cầu nguy hiểm, đẩy các doanh nghiệp vào cuộc đua bán cà phê kỳ hạn với độ trừ lùi ngày càng cao và thua lỗ. Hơn nữa, doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài do lãi suất vay cao. “Chúng tôi không yêu cầu Nhà nước hỗ trợ lãi suất, chỉ cần được vay đủ vốn và đúng thời điểm để kinh doanh, đừng để đến khi doanh nghiệp vay được tiền thì cà phê đã bị nước ngoài thu gom hết”, ông Hoàng nói.
Thiếu vốn cũng là nguyên nhân gây bất ổn lên ngành điều thời gian gần đây. Giá điều W320 (loại VN xuất khẩu chủ yếu) từ 10 USD/kg hồi tháng 6 nay giảm còn 8,5 USD/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo ông Đặng Hoàng Giang - tổng thư ký Hiệp hội điều VN (Vinacas), do áp lực trả nợ ngân hàng hồi tháng 8, 9 vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp nhỏ phải bán tháo điều nhân để lấy tiền trả ngân hàng khiến giá xuất khẩu giảm liên tục.
“Các doanh nghiệp nhỏ chiếm tới 50% tổng lượng điều xuất khẩu nên khi họ giảm giá thì thị trường giảm theo, bất chấp nỗ lực bình ổn của Vinacas và các doanh nghiệp xuất khẩu lớn”, ông Giang cho biết. Nguy hiểm hơn, do bán giá quá thấp nên một số doanh nghiệp nhỏ đã giao hàng kém chất lượng dẫn đến việc phàn nàn của khách hàng, thậm chí trả hàng về làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành điều VN.
Còn ông Trần Quốc Mạnh, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết dù xuất khẩu trong chín tháng đầu năm nay của ngành gỗ đạt 2,84 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận chung của cả ngành vẫn đang thu hẹp dần.
“Không phải mọi mặt hàng xuất khẩu đều tăng giá như nhau, nhiều loại hàng giá bán chỉ tăng rất ít hoặc không tăng trong khi giá nguyên liệu đầu vào và các chi phí khác tăng quá nhanh nên doanh nghiệp không có lời”, ông Mạnh cho biết.
Ngoài ra, theo ông Mạnh, hiện nguy cơ về kiện chống bán phá giá của Mỹ đối với đồ gỗ nội thất của VN, cũng như sự cáo buộc của Tổ chức điều tra môi trường EIA về buôn bán gỗ Lào - Việt Nam sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành gỗ trong thời gian tới.
Nguồn Tuổi trẻ