Chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi và dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.
Chỉ bảo hiểm tiền gửi cá nhân
Cho ý kiến về dự Luật Bảo hiểm tiền gửi, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự Luật sẽ hoàn thiện khung pháp lý về bảo hiểm tiền gửi, nâng cao niềm tin của người gửi tiền và tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các ngân hàng và tổ chức tín dụng…
Về loại tiền gửi được bảo hiểm, dự thảo Luật và các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng chỉ bảo hiểm tiền gửi là đồng Việt Nam để tránh tình trạng đô-la hóa. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, các nước khác trên thế giới cũng chỉ bảo hiểm cho các khoản tiền gửi bằng đồng nội tệ.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với cơ quan soạn thảo khi cho rằng chỉ bảo hiểm tiền gửi cá nhân- số đông người không có điều kiện tham gia sản xuất, kinh doanh chứ không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức.
Lý do là tiền gửi của doanh nghiệp là một phần trong hoạt động luân chuyển vốn thường xuyên, được quản trị chặt chẽ nên không thể thiếu thông tin về tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp gửi tiền. Mặt khác, chính sách mong muốn các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn vốn để phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm,…
Báo cáo thẩm tra cũng đồng ý với dự thảo Luật không quy định một mức phí hay khung phí cố định mà giao Ngân hàng Nhà nước quy định linh hoạt phí bảo hiểm tiền gửi.
Đồng thời, dự Luật không quy định cụ thể hạn mức bảo hiểm tiền gửi mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm trong từng thời kỳ theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí để xác định mức phí và hạn mức bảo hiểm tiền gửi ngay trong dự thảo Luật và để Thủ tướng quy định cụ thể.
Làm rõ một số vấn đề trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền
Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền, đa số các ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Luật không nên điều chỉnh hành vi tài trợ cho hoạt động khủng bố. Tài trợ khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng liên quan mật thiết với hoạt động khủng bố, do đó cần quy định trong Luật Phòng, chống khủng bố.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng cần làm rõ khái niệm “rửa tiền” trong dự Luật so với khái niệm này trong Bộ luật Hình sự. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế kiến nghị đối với hành vi rửa tiền phải áp dụng biện pháp hình sự thì dự Luật quy định như Bộ luật Hình sự, các hành vi rửa tiền khác sẽ bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc kinh tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước - cơ quan soạn thảo - cần làm rõ trong Luật một số vấn đề như cơ quan phòng, chống rửa tiền, xử lý vi phạm - biện pháp chống rửa tiền…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Kinh tế và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội.
Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét dự Luật này lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 2 sắp tới và thông qua trong năm 2012 theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị toàn thể của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) hồi tháng 10/2010.
Nguồn www.chinhphu.vn