Trong tuyên bố phát đi sau cuộc họp diễn ra tại Luxembourg, ngày 10/10, các Bộ trưởng Môi trường Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo cho biết EU sẵn sàng cam kết tôn trọng Nghị định thư Kyoto trong giai đoạn thứ hai với điều kiện “đây sẽ là giai đoạn cam kết cuối cùng trước khi công bố các kết quả của Kyoto và yêu cầu giai đoạn cam kết này sẽ kéo dài tới năm 2020”.
Nghị định thư Kyoto quy định nghĩa vụ giảm thiểu khí thải đối với
các nước công nghiệp phát triển (Ảnh tư liệu)
Các Bộ trưởng Môi trường EU cũng đã thảo luận trong nhiều giờ trước khi phát đi tuyên bố nhằm tập hợp một tiếng nói chung sẽ đưa ra tại Hội nghị lần thứ 17 các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), dự kiến diễn ra trong các ngày từ 28/11-9/12 năm nay tại Durban.
Phát biểu ý kiến về tuyên bố chung của châu Âu vừa đưa ra, Giám đốc phụ trách chính sách khí hậu của tổ chức Greenpeace khu vực EU, ông Joris den Blanken, bày tỏ đánh giá cao khi chứng kiến EU tiếp tục ủng hộ việc theo đuổi Nghị định thư Kyoto. “Việc kéo dài và mở rộng Nghị định thư Kyoto sau năm 2012 là rất quan trọng và mang tính chiến lược để mở khóa các cuộc đàm phán quốc tế hiện vẫn đang bế tắc nhằm tìm ra các biện pháp áp dụng chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu”, ông nói thêm.
Trước đây không lâu, trong khuôn khổ đại hội trù bị, tổ chức tại thành phố Panama, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Durban, Liên minh châu Âu cũng đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế vạch ra một lộ trình hành động chung cho tương lai ngay trong năm nay cho dù việc đạt được một hiệp ước chung về chống biến đổi khí hậu, được dự báo là "rất khó khăn". Ngoài ra, EU cũng đề nghị tất cả các nước đều phải đưa ra những cam kết cụ thể, rõ ràng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Nghị định thư Kyoto được thông qua tại Hội nghị lần thứ 3 các bên tham gia UNFCCC, tổ chức tại Kyoto (Nhật Bản) vào tháng 12 năm 1997. Nghị định thư Kyoto buộc 38 quốc gia công nghiệp phải hạn chế phát thải khí nhà kính (chủ yếu là cacbonic), nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo đó, muộn nhất là năm 2012, 38 nước phải cắt giảm lượng khí thải với mức trung bình 5,2% so với những năm 1990, riêng Mỹ phải giảm 7%. Lý do là dân số nước này chỉ chiếm 6% trong tổng dân số thế giới, nhưng nền sản xuất khổng lồ của họ lại gây ra 25% tổng lượng cacbonic toàn cầu. Nghị định thư không thể được thi hành triệt để nếu thiếu sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, Washington lại cho rằng nội dung của Nghị định thư Kyoto 1997 có điểm không hợp lý, vì chỉ tập trung vào các nước công nghiệp mà không ràng buộc thế giới thứ ba, trong khi Mỹ là nước tạo ra nhiều của cải hơn bất kỳ một quốc gia nào khác.
Trải qua không ít cuộc thảo luận và liên tiếp các vòng đàm phán, vấn đề chia rẽ giữa các nước phát triển và đang phát triển xung quanh nghĩa vụ và tỷ lệ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa được giải quyết. Trong bối cảnh đó, không thể phủ nhận vai trò tiên phong của Liên minh châu Âu trong nỗ lực hạn chế khí thải, bảo vệ môi trường, hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu. Đây có thể được xem là hình mẫu cho cộng đồng quốc tế trên con đường đi tìm lời giải cho bài toán khí hậu.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam