Những điều đặc biệt
Mùa công bố giải Nobel năm nay bắt đầu với giải Nobel Y học và chính giải thưởng được công bố đầu tiên này đã gây ngạc nhiên lớn. Một trong 3 người đoạt giải, nhà khoa học Canada Ralph Steinman làm việc tại Đại học Rockefeller, Mỹ, đã qua đời ngày 30-9, tức 3 ngày trước khi Ủy ban giải Nobel công bố trao giải cho ông.
Daniel Shechtman - nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2011.
Giải thích về vấn đề này, Ủy ban giải Nobel thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho rằng, ủy ban không chủ trương công bố trao giải cho các tác giả đã chết, ngoại trừ những người chết sau khi được công bố giải (trường hợp ông William Vickrey, chết vài ngày sau khi được công bố trao giải Nobel Kinh tế năm 1996). Đối với ông Steinman, ủy ban trao giải không biết về cái chết của ông và Trường Đại học Rockefeller (Mỹ), nơi ông công tác, chỉ thông báo tin ông qua đời sau khi giải thưởng được công bố. Dù vậy, ủy ban trao giải vẫn giữ nguyên quyết định trao một nửa giải thưởng cho ông Steinman vì những đóng góp rất lớn của ông trong công trình vào năm 1973, tìm ra cơ chế của các tế bào hoạt động trong hệ miễn dịch chống ung thư và nhiều bệnh khác.
Với chủ nhân Nobel Văn chương 2011, nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtromer, 80 tuổi, ngoài những vần thơ được dịch ra trên 60 thứ tiếng làm rung động hàng triệu người, Ủy ban giải Nobel còn muốn nhấn mạnh đến tinh thần vượt khó và nghị lực phi thường của ông. Tuy bị đột quỵ vào năm 1990 và sau đó bị liệt nửa người, nói chuyện rất khó khăn, nhà thơ vẫn nỗ lực chiến đấu với bệnh tật, tiếp tục cống hiến cho thế giới những vần thơ hay, trong đó có tập thơ “Điều bí ẩn lớn” sáng tác năm 2004.
Tìm những cái mới “trái quy luật”
Nghiên cứu vũ trụ là đề tài luôn bí ẩn nhưng thu hút sự chú ý của công luận. Năm nay, thêm một công trình cũng liên quan đến nghiên cứu vũ trụ được tôn vinh bằng giải Nobel Vật lý 2011. 3 nhà khoa học xuất sắc nhận giải là Saul Perlmutter, thuộc Dự án Vũ trụ học Supernovae (siêu sao mới) tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, Đại học California, Berkeley (Mỹ); Brian Schmidt, nhóm Nghiên cứu Supernovae, Đại học Quốc gia Australia và Adam G. Riess thuộc nhóm Nghiên cứu Supernovae, Đại học Johns Hopkins và Viện Khoa học Viễn vọng Không gian, thành phố Baltimore (Mỹ). Công trình của họ đã phát hiện ra rằng vũ trụ không chỉ giãn nở như đã biết từ những năm 1920 mà giãn nở với tỷ lệ tăng dần thông qua việc quan sát hàng chục vụ nổ của các ngôi sao siêu lớn.
Thế kỷ thứ 17, nhà thiên văn học Galileo thách thức trực tiếp Giáo hội Thiên Chúa giáo lúc đó vốn có quan điểm rằng Trái đất đứng yên và là trung tâm của vũ trụ. Hơn 400 năm sau, trong một lĩnh vực khác, một nhà hóa học của Israel, Daniel Shechtman cũng đã thách thức điều được cho là quy luật khi bác bỏ quan điểm cho rằng các nguyên tử bên trong các dạng tinh thể được sắp xếp có hệ thống và lặp lại. Thay vào đó, ông kết luận rằng “các mô hình nguyên tử” có tính trật tự và đối xứng cao, song không lặp lại nguyên gốc. Ông đã bị buộc phải rời nhóm nghiên cứu của mình vì những kết luận “không giống ai”. Nhưng cuối cùng, cũng như Galileo, ông Daniel đã chiến thắng và các nhà khoa học đã đồng ý với kết quả nghiên cứu của ông. Đó là lý do vì sao ông được Ủy ban trao giải Nobel công bố trao giải Nobel Hóa học năm 2011.
Tôn vinh nữ quyền
Giải Nobel Hòa bình 2011 có kỷ lục mới, vì đây là lần đầu tiên kể từ khi giải Nobel Hòa bình được trao năm 1901, 3 phụ nữ cùng chia sẻ giải thưởng này. Họ là những người đấu tranh vì nữ quyền và vì mục tiêu kết thúc tình trạng bạo lực, nội chiến ở Liberia và Yemen, bao gồm Tổng thống Liberia Ellen Johnson-Sirleaf, nhà hoạt động hòa bình Liberia Leymah Gbowee và nhà hoạt động Yemen Tawakkul Karman. Theo Ủy ban Nobel Hòa bình Na Uy, 3 phụ nữ nói trên được vinh danh nhờ “cuộc đấu tranh bất bạo động vì sự an toàn của phụ nữ và các quyền của phụ nữ được tham gia đầy đủ vào công tác xây dựng hòa bình”. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gọi đây là “minh chứng cho sức mạnh lãnh đạo của phụ nữ, cũng như vai trò của họ trong xây dựng hòa bình, an ninh, phát triển và nhân quyền”. Tổng thống Mỹ Barack Obama thì gọi 3 người phụ nữ đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay “là những hình mẫu điển hình, vì sự quyết tâm và tinh thần của họ”.
Nguồn Báo SGGP