Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội- cơ quan thẩm tra Bộ luật cho rằng vấn đề tiền lương cần được chú trọng trong Bộ luật bởi tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động, đình công diễn ra phức tạp.
Đảm bảo người lao động có mức lương hợp lý, công bằng
Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định về tiền lương dựa trên các nguyên tắc: Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mức tiền lương của người lao động, chỉ quy định mức lương tối thiểu; bình đẳng tiền lương giữa các loại hình doanh nghiệp; thiết lập cơ chế bảo vệ người lao động thông qua cơ chế trả lương cho người lao động.
Bên cạnh việc quy định lương tối thiểu vùng, dự thảo Bộ luật bổ sung lương tối thiểu ngành. Ủy ban các vấn đề xã hội đồng tình với nội dung này khi cho rằng quy định lương tối thiểu ngành sẽ phù hợp khi nhóm lao động có tay nghề sẽ tăng lên trong tương lai, hạn chế người sử dụng lao động trả lương không hợp lý cho nhóm này.
Lương tối thiểu ngành theo dự thảo Bộ luật sẽ do thỏa ước lao động ngành quy định, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại các điều kiện xây dựng thỏa ước lao động ngành còn hạn chế. Do đó Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị nhà nước vẫn tiếp tục công bố mức lương tối thiểu vùng và ngành.
Bên cạnh đó có một thực tế là các doanh nghiệp đang căn cứ vào quy định mức lương tối thiểu để trả lương cho người lao động cao hơn chút ít so với mức sàn, chưa đảm bảo đời sống cho người lao động.
Ngoài ra dự thảo Bộ luật quy định tiền lương là thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Do đó Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị dự thảo Bộ luật cần làm rõ quy định về sự tham gia của Nhà nước vào thỏa ước giữa chủ doanh nghiệp và người lao động để đảm bảo hỗ trợ cho người lao động đạt được thỏa thuận có mức lương hợp lý, công bằng.
Đình công và vai trò của Công đoàn
Từ năm 1995 đến nay cả nước xảy ra 2.912 cuộc đình công, trong đó 73% cuộc đình công xảy ra từ năm 2006 đến tháng 7/2010. Đa số các cuộc đình công đều không diễn ra theo luật định- tức là không thông qua hội đồng hòa giải cơ sở và hội đồng trọng tài.
Bên cạnh đó vai trò của Công đoàn khi xảy ra đình công chỉ là trung gian giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, tiếng nói của Công đoàn cũng không hiệu quả do còn phụ thuộc kinh tế vào chủ doanh nghiệp…
Trong giải quyết tranh chấp lao động và đình công, Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, cần khẳng định vai trò đại diện người lao động của công đoàn cơ sở. Hướng đi này nhằm thúc đẩy nhu cầu thành lập tổ chức công đoàn của người lao động tại các doanh nghiệp chưa có tổ chức này để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mình.
Đề xuất lao động nữ có quyền chọn thời gian nghỉ thai sản, nghỉ hưu
Ủy ban các vấn đề xã hội- cơ quan thẩm tra dự thảo Bộ luật cũng đồng tình với Chính phủ khi quy định tuổi nghỉ hưu theo hướng tiếp cận là quyền nghỉ hưu. Theo đó dự thảo Bộ luật theo hướng khẳng định lao động nữ đủ 55 tuổi, người lao động nam đủ 60 tuổi có quyền nghỉ hưu.
Tuy nhiên Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng dự thảo Bộ luật chưa làm rõ được quan điểm quyền nghỉ hưu là như thế nào.
Các ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Uông Chu Lưu, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng nên để phụ nữ lựa chọn được nghỉ hưu ở độ tuổi nào khi đã qua 55 tuổi.
Dự thảo Bộ luật quy định tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường. Tăng từ được nghỉ 5 tháng lên 6 tháng đối với lao động nữ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc theo chế độ 3 ca… Đối với lao động nữ khuyết tật giữ nguyên thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng.
Việc quy định như trên là phù hợp với khuyến nghị “nuôi con từ 0 - 6 tháng hoàn toàn bằng sữa mẹ” của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, đồng thời không tạo rào cản cho lao động nữ khi tham gia thị trường lao động và có tính toán đến khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng nên quy định thời gian nghỉ thai sản chung cho lao động nữ là 6 tháng, đồng thời xác định rõ thời gian tối thiểu - 4 tháng mà lao động nữ được nghỉ.
Trên cơ sở này lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng đến 6 tháng với các điều kiện khác nhau cho phù hợp với công việc, hoàn cảnh của mình.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng dự thảo Bộ luật quy định rõ ràng mức trần là 6 tháng, mức sàn có thể là không dưới 4 tháng hoặc là đưa ra quy định về cách thỏa thuận mức sàn giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.
Thời gian lao động nữ nghỉ thai sản như thế nào sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 sẽ diễn ra trong tháng này.
Nguồn www.chinhphu.vn