Ngày 23-9-2011, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3950/KH-UBND về việc phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức Xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015. Báo Điện Tử Ninh Thuận xin giới thiệu đến bạn đọc Kế hoạch này.
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị chăm lo xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.
- Thông qua tổ chức phong trào thi đua góp phần xây dựng nông thôn mới phát triển đồng bộ, toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn nông thôn.
2. Yêu cầu
- Phong trào thi đua Xây dựng nông thôn mới phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị giai đoạn 2011- 2015.
- Triển khai phong trào thi đua sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, với nội dung, hình thức thiết thực, theo phương châm “ Phát huy nội lực là chính”; chú trọng tổ chức thực hiện phong trào thi đua ở thôn, xóm, xã, thị trấn.
II. NỘI DUNG THI ĐUA
1. Tổ chức thông tin, tuyên truyền các văn bản của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới để nâng cao nhận thức trong các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011- 2015.
Các nội dung cần tập trung tuyên truyền: Chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước (Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng khóa X, Kết luận 32 của Bộ Chính trị, Thông báo 238 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24/5/2011 của Tỉnh uỷ khóa XII và các văn bản của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh); Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Quyết định 491 và 800 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh, huyện); tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 725 của Thủ tướng Chính phủ và phong trào thi đua “ Cả nước chung sức Xây dựng Nông thôn mới ” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
2. Tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới theo 11 nội dung và 19 tiêu chí nông thôn mới của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
3. Phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 11/47 xã (23%) đạt chuẩn xã nông thôn mới. Cụ thể :
- Các huyện, thành phố: Thuận Bắc, Thuận Nam, Bác Ái, Phan Rang- Tháp Chàm mỗi đơn vị có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Các huyện: Ninh Hải , Ninh Sơn mỗi đơn vị có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới .
- Huyện Ninh Phước : Có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
4. Phát động từ nay đến năm 2015 các đợt thi đua như sau:
- Đợt 1: Từ năm 2011 đến năm 2013, tập trung triển khai thực hiện các nội dung sau:
+ Hoàn thành rà soát và triển khai Quy hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (đặc biệt chú trọng quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã theo hướng văn minh và theo bộ tiêu chí nông thôn mới).
+ Tập trung triển khai thực hiện để đạt các tiêu chí có tính đột phá như giao thông nông thôn; hệ thống thủy lợi - giao thông nội đồng; nâng cấp hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật an toàn và chất lượng điện phục vụ sản xuất và đời sống dân cư; giáo dục và đào tạo; y tế; cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tạo điều kiện để thực hiện các tiêu chí khác.
- Đợt 2 : Từ năm 2014 - 2015 phấn đấu các xã xây dựng nông thôn mới trong kế hoạch đạt chuẩn các tiêu chí sau:
+ Tiêu chí 2(.1): 100% số xã có đường giao thông chính về đến trung tâm xã đạt chuẩn.
+ Tiêu chí 2(.2): 36% số xã ( 17 xã) có tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn.
+ Tiêu chí 3(.1) và 3(.2): Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cấu phát triển sản xuất và phục vụ dân sinh. Trong đó 21 xã có Hệ thống thủy lợi và tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa đạt chuẩn.
+ Tiêu chí 4(.1): Hệ thống điện trên địa bàn xã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện.
+ Tiêu chí 4(.2): Tỷ lệ hộ dân trên địa bàn xã sử dụng điện thường xuyên đạt 98%.
+ Tiêu chí 5: Tỷ lệ trường học các cấp trên địa bàn xã có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia đạt 45%.
+ Tiêu chí 6: 30% số xã (14 xã ) có nhà văn hóa, khu thể dục thể thao của thôn, xã đạt chuẩn.
+ Tiêu chí 7: Chợ nông thôn trên địa bàn xã đạt chuẩn của Bộ Xây dựng.
+ Tiêu chí 8(.1): Có điểm phục vụ bưu chính - viễn thông trên địa bàn xã (đại lý bưu điện, bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã).
+ Tiêu chí 8(.2): Có Inrternet đến thôn; đối với các xã vùng đồng bằng đạt 70%, đối với các xã vùng núi đạt 60% để hộ dân đăng ký nối mạng.
+ Tiêu chí 9(.1): Không còn nhà tạm, dột nát trên địa bàn xã.
+ Tiêu chí 9(.2): Có 40%. hộ dân trong xã có nhà ở đạt chuẩn Bộ Xây dựng
+ Tiêu chí 10: Có 20% số xã thu nhập bình quân đầu người/năm gấp 1,4 lần so với năm 2010.
+ Tiêu chí 11: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới) bình quân toàn tỉnh dưới 8%.
+ Tiêu chí 12: Có 23% số xã có tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp dưới 35%.
+ Tiêu chí 13: Có 65% số xã có ít nhất 01 hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
+ Tiêu chí 14(.1): Có 80% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
+ Tiêu chí 14(.2): Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt 85%.
+ Tiêu chí 14(.3): Tỷ lệ lao động qua đào tạo đối với các xã vùng đồng bằng đạt trên 35% (trong đó qua đào tạo nghề đạt trên 25%), đối với các xã miền núi đạt trên 30% (trong đó qua đào tạo nghề đạt trên 20%).
+ Tiêu chí 15(.1): Tỷ lệ người dân trong xã tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt trên 40%.
+ Tiêu chí 15(.2): Có 80% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
+ Tiêu chí 17: Phấn đấu có 68.898/86.123 hộ dân trên địa bàn các xã được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 80%. Có 81% số xã có bộ phận dịch vụ, thu gom , xử lý rác thải và 70% số xã xây dựng nghĩa trang theo qui hoạch.
+ Tiêu chí 18: Có 83% số xã có cán bộ, công chức xã đạt chuẩn theo quy định; 85% số xã có đảng bộ, chính quyền đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” và các tổ chức đoàn thể chính trị đạt danh hiệu tiên tiến trở lên
+ Tiêu chí 19: Có 100% số xã đạt chuẩn an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.
III. GIẢI PHÁP
1. Về công tác tuyên truyền: Các sở, ban ngành, Mặt trận và các đoàn thể, các huyện, thành phố, cơ quan đơn vị tuỳ đặc điểm tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ để xây dựng nội dung hình thức tuyên truyền phù hợp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trước hết trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, nhiệm vụ, ý nghĩa xây dựng nông thôn mới hiện nay. Qua đó tạo sự đồng thuận quyết tâm của toàn xã hội đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh-Truyền hình và các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, mở các chuyên trang, chuyên mục phản ánh phong trào thi đua, phổ biến kinh nghiệm, cách làm của các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt về thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
2. Tổ chức thi đua:
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chia cụm, khối thi đua đến cấp xã và tổ chức ký kết giao ước thi đua thực hiện. Mỗi huyện, thành phố chọn 01 xã tổ chức thi đua điểm xây dựng nông thôn mới và phân công chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện, định kỳ sơ kết, tổng kết điểm để nhân rộng.
- Các sở, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn căn cứ chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với nội dung cụ thể, thiết thực vận động cán bộ, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở địa bàn dân cư.
- Thông qua phong trào thi đua thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, mô hình mới hiệu quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
- Phối kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua Xây dựng nông thôn mới với các phong trào thi đua khác, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
3. Tổ chức đăng ký thi đua:
- Đối với các huyện, thành phố: Triển khai việc đăng ký thi đua trong các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể thuộc huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và đến thôn, xóm, khu phố.
- Các cơ quan cấp tỉnh, tuỳ nhiệm vụ được giao về xây dựng nông thôn mới để triển khai đăng ký thi đua trong các tập thể trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
4. Thời gian hoàn thành việc phát động thi đua, tổ chức ký kết giao ước thi, đăng ký thi đua và báo cáo về Ủy ban nhân dân đua tỉnh (qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) chậm nhất ngày 30/10/2011.
5. Tổ chức sơ kết, tổng kết thi đua:
- Các sở ban ngành, huyện, thành phố tiến hành sơ kết vào cuối năm công tác để đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm tiếp theo.
- Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết toàn tỉnh vào cuối năm 2013 và tổng kết vào cuối năm 2015.
IV. CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
1. Tiêu chuẩn khen thưởng:
Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh qui định đối tượng, hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng.
2. Hình thức khen thưởng:
- Khen thưởng hàng năm: Tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được bình xét qua đợt thi đua.
- Khen thưởng sơ kết đợt thi đua (cuối năm 2013): Tặng Cờ Thi đua của Ủy ban nhân tỉnh cho huyện, thành phố dẫn đầu phong trào thi đua, các xã được công nhận đạt chuẩn Xây dựng Nông thôn mới và Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được bình xét qua đợt thi đua.
- Khen thưởng tổng kết đợt thi đua (cuối năm 2015): Tặng Cờ thi đua của Ủy ban nhân tỉnh cho 01 sở, ngành, 01 đơn vị thuộc khối Mặt trận và đoàn thể tỉnh, 01 huyện, thành phố dẫn đầu phong trào thi đua, các xã được công nhận đạt chuẩn Xây dựng Nông thôn mới và Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được bình xét qua đợt thi đua.
3. Ngoài khen thưởng của Ủy ban nhân dân tỉnh, các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các đợt thi đua được xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Cờ Thi đua, Bằng khen; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
4. Việc khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc hàng năm, trong các đợt thi đua thuộc thẩm quyền của Giám đốc sở, ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố do Thủ trưởng cùng cấp qui định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ kế hoạch này và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2015, Thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh, huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình phát động thi đua thực hiện.
2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và báo cáo kết quả Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh.
3. Đề nghị các cấp uỷ Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua Xây dựng Nông thôn mới
4. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tích cực vận động đoàn viên, hội viên tham gia hưởng ứng phong trào thi đua phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gắn phong trào thi đua với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào, các cuộc vận động do Trung ương Mặt trận và các đoàn thể chỉ đạo triển khai thực hiện.
5. Trong quá trình tổ chức thực hiện có gì vướng mắc phản ánh về Sở Nội vụ (Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo.
Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai thực hiện tốt nội dung kế hoạch này.