Nên quy định thêm một ngày nghỉ Tết âm lịch

Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại buổi thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) diễn ra sáng nay (5/10) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Hiện nay số ngày nghỉ dịp này là 4 ngày, thường “kẹp” một ngày đi làm vào giữa kỳ nghỉ. Ngày đó cũng rất ít cơ quan đơn vị làm việc thực chất”. Vì vậy, nên bổ sung thêm 01 ngày nghỉ tết âm lịch.

Ban soạn thảo Bộ luật Lao động cho biết chưa đưa vấn đề này vào dự thảo. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, từng chủ trì Ban soạn thảo Bộ luật với tư cách Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tán đồng quan điểm của Chủ tịch Quốc hội và cung cấp thêm thông tin, số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức bình quân trong khu vực Đông Nam Á.

Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong quá trình soạn thaotr Dự án luật, có một số vấn đề có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: thỏa ước lao động tập thể ngành; về giờ làm thêm; thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ; bình đẳng giới và tuổi nghỉ hưu; giải quyết tranh chấp lao động.

Về giờ làm thêm, dự thảo quy định theo hướng người sử dụng lao động có quyền huy động người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ một số điều kiện, nhưng số giờ làm thêm tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng. Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người lao động phải được bố trí nghỉ bù.

Theo Chính phủ thì nên chọn phương án tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng theo quy định hiện hành lên 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường; tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 5 tháng hiện hành lên 6 tháng đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc theo chế độ 3 ca; nữ quân nhân, nữ công an nhân dân…

Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo thể hiện theo hướng khẳng định, lao động nữ đủ 55 tuổi, lao động nam đủ 60 tuổi có quyền nghỉ hưu. Đồng thời, giao Chính phủ quy định tuổi nghỉ hưu đối với một số loại lao động đặc thù khi người lao động tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và được sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về dự thảo Bộ luật Lao động nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật.

Cơ bản thống nhất với quan điểm của Chính phủ về thời gian làm thêm, song Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội yêu cầu bổ sung giới hạn “chỉ cho phép làm thêm giờ trong một số ngành nghề cụ thể; theo độ tuổi nhất định; có sự phân biệt giữa làm thêm ban ngày, làm thêm ban đêm, làm thêm vào ngày nghỉ”…

Về thời gian nghỉ thai sản, Thường trực Ủy ban này cho rằng, nên quy định linh hoạt bằng việc đưa ra mức sàn tối thiểu, có thể là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ tối đa là 6 tháng. Trên cơ sở đó, lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ cho phù hợp với công việc, cuộc sống của mình.

Nguồn "Báo Giáo dục & Thời đại"