Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng các huyện Thuận Nam và Bác Ái

Trong 2 ngày 3 và 4-10, Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND) đã giám sát công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại các huyện Thuận Nam và Bác Ái.

(NTO) Tại huyện Thuận Nam, Ban pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát tại các đơn vụ: Hạt Kiểm lâm Thuận Nam và Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Tân Giang.

Hiện nay, huyện Thuận Nam có trên 17 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp. Do diện tích rừng thuộc các xã nằm cách xa nhau, các tuyến giao thông và các khu vực giáp ranh phức tạp nên tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, mua bán, cất giữ lâm sản trên địa bàn trong thời gian qua vẫn diễn ra phức tạp. Từ năm 2009 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Thuận Nam đã phối hợp với 2 đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương tổ chức 62 buổi họp dân nhằm tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng với trên 3.000 lượt người tham gia. Hạt Kiểm lâm Thuận Nam cũng đã phối với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức 109 đợt tuần tra truy quét chống phá rừng, qua đó phát hiện và bắt giữ 102 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 393 triệu đồng.

Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Tân Giang quản lý gần 25 ngàn ha rừng, do địa bàn quản lý rộng, một bộ phận nhân dân vùng rừng và ven rừng đời sống còn khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên vẫn còn trình trạng chặt phá rừng. Từ năm 2009 đến nay, Ban quản lý đã phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương các xã phát hiện và xử lý trên 50 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 70 triệu đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Đình Cẩn, Phó Ban pháp chế, HĐND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Lực lượng Kiểm lâm Thuận Nam và Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Tân Giang trong thực hiện nhiệm vụ và công tác phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuần tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm tài về tài nguyên rừng. Để khắc phục những khó khăn đã nêu, các đơn vị chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức bảo vệ rừng đến mọi tầng lớp nhân dân và nhân rộng các mô hình khoán đất, khoán rừng đã thực hiện hiệu quả cho các tổ chức, hộ cá nhân.

• Tại huyện Bác Ái, Ban Pháp chế đã thực hiện việc giám sát tại 2 đơn vị: Hạt kiểm lâm huyện và Ban Quản lý rừng Đầu nguồn hồ Sông Sắt.

Sau khi nghe các đơn vị được giám sát báo cáo tình hình thực tế cũng như kiến nghị với Ban, đồng chí Lê Đình Cẩn, Phó Ban Pháp chế, HĐND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của lực lượng kiểm lâm Bác Ái và Ban quản lý rừng đầu nguồn hồ Sông Sắt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục thực hiện tốt công tác trong những năm tiếp theo, đồng chí đề nghị 2 đơn vị cần đưa ra các giải pháp, phương thức thực hiện cụ thể, tập trung giải quyết từng vấn đề. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong việc bảo vệ rừng. Tạo mọi điều kiện, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm trên địa bàn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.