Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự thảo Luật Đo lường

Chiều ngày 4/10, trong phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đo lường và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đơn vị thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), cho biết sau 12 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước đã bộc lộ một số bất cập như chưa quy định đầy đủ, toàn diện về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; quản lý lưu vực sông; sử dụng nước tiết kiệm;… Ủy ban Kinh tế nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật tài nguyên nước (sửa đổi).

Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. - Ảnh: Chinhphu.vn

Ủy ban Kinh tế và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng Luật cần điều chỉnh về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; điều chỉnh về nước biển ven bờ, bởi đây là vùng nước có liên quan chặt chẽ và có tác động đến nguồn nước trên đất liền, chịu ảnh hưởng từ hoạt động của con người.

Ủy ban Kinh tế cũng kiến nghị không đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào Luật vì các loại nước này được coi là khoáng sản và được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản năm 2010.

Báo cáo thẩm tra đồng tình với quy định của dự thảo Luật khi thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nước của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, nguồn thu từ tiền cấp quyền khai thác nước phải được hạch toán vào ngân sách nhà nước và các khoản chi cho hoạt động tài nguyên nước phải dựa trên cơ sở dự toán đã được phê duyệt.

Về trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam đối với nguồn nước liên quốc gia, Ủy ban Kinh tế cho rằng Luật cần quy định Bộ Tài Nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình về các nguồn nước liên quan có ảnh hưởng đến Việt Nam để kịp thời báo cáo.

Về giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước, các ý kiến cho rằng nên phân loại các dạng tranh chấp về tài nguyên nước để quy định thẩm quyền giải quyết cho phù hợp.

Dự thảo Luật Đo lường: Bỏ quy định về thẩm quyền và mức xử phạt các hành vi vi phạm

Dự thảo Luật Đo lường dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, sẽ diễn ra trong tháng 10 này.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ tại phiên họp tháng 8/2011, dự thảo Luật Đo lường đã được gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đến ngày 30/9/2011, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nhận được 50 ý kiến góp ý vào dự Luật Đo lường.

Ủy ban cho biết, để phù hợp với điều kiện Việt Nam, Luật Đo lường nên tập trung chủ yếu vào điều chỉnh các hoạt động đo lường bắt buộc phải áp dụng (đo lường pháp định). Các hoạt động đo lường khoa học và đo lường công nghiệp cần được quy định cho phù hợp.

Về việc xử lý vi phạm pháp luật về đo lường, hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến (43/50) cho rằng mức xử phạt các hành vi gian lận còn quá nhẹ, đề nghị cần nâng cao hơn nữa. Có ý kiến đề nghị nâng mức xử phạt lên 20- 50 lần số tiền thu lợi bất chính, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở cố tình vi phạm pháp luật về đo lường, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Các ý kiến còn lại cho rằng việc quy định mức xử phạt, tính toán số tiền thu lợi bất chính từ gian lận đo lường cần phù hợp với các quy định hiện hành để đảm bảo tính thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật, hoặc để văn bản dưới luật hướng dẫn nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Ban soạn thảo đã bỏ quy định về thẩm quyền và mức xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường.

Một số vấn đề lớn khác cũng được các đại biểu đề cập đến như việc phân loại và sử dụng đơn vị đo; về phương tiện đo và phê duyệt mẫu, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Nguồn www.chinhphu.vn