Công trình nghiên cứu “Mô hình lưu lượng dòng chảy đo lường lượng nước có thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp và lượng nước cần dự trữ để bảo vệ môi trường” của nhóm nghiên cứu gồm Giáo sư R.Quentin Grafton (chủ trì), Giáo sư Tom Kompas, Tiến sỹ Chu Hoàng Long đến từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) và giáo sư Michael Stewardson đến từ Đại học Melbourne vừa được vinh dự trao giải thưởng danh giá Eureka 2011 của Australia trong lĩnh vực quản lý và sử dụng nguồn nước vào ngày 6-7 tháng 9 vừa qua.
Tiến sỹ Chu Hoàng Long
Giải thưởng Eureka là giải thưởng khoa học uy tín và danh giá nhất Australia, được tổ chức hàng năm trao cho những nghiên cứu suất sắc trong các lĩnh vực: Nghiên cứu và Đổi mới; Khoa học Lãnh đạo; Triết học; Khoa học báo chí và truyền thông…
Đây là giải thưởng duy nhất có sự tham gia của các tổ chức chính phủ, các viện, các công ty và các cá nhân để tôn vinh sức sống, tính sáng tạo và xuất sắc của nền khoa học Australia. Để có được khoảnh khắc “Eureka” là cả một quá trình lao động, cống hiến nghiêm túc, say mê của bản thân nhà khoa học và các cộng sự.
Tiến sĩ Chu Hoàng Long là đồng tác giả người Việt duy nhất năm nay được nhận giải thưởng này. Anh hiện là giảng viên của Trường Kinh tế và Quản trị Crawford thuộc trường Đại học Quốc gia Australia. Anh đã tham gia nhiều công trình nghiên cứu với các Giáo sư và cộng sự ở Australia trong lĩnh vực nghiên cứu môi trường và đã có một số kết quả được các đồng nghiệp và giới khoa học Australia đánh giá cao. Đặc biệt, năm 2011, các nỗ lực của anh trong thời gian qua đã được ghi nhận bằng giải thưởng danh giá Eureka.
Năm ngoái cũng đã có hai anh em người Việt được nhận giải thưởng này là Tiến sĩ Võ Bá Ngự và em trai là Giáo sư - Tiến sĩ Võ Bá Tường của Trường Điện, Điện tử, và Điện toán thuộc Đại học Tây Australia vì những đóng góp khoa học nổi bật trong lĩnh vực an ninh Australia.
Nghiên cứu đoạt giải năm nay của Chu Hoàng Long và nhóm nghiên cứu giúp trả lời câu hỏi chính sách đang gây tranh cãi lớn hiện nay của Australia trong lĩnh vực môi trường là nên dành bao nhiêu lượng nước tưới cho nông nghiệp mà không gây nguy hại cho môi trường. Các nhà quản lý có thể sử dụng mô hình này vào thời điểm bắt đầu mùa tưới nhằm xác định hai thông số chính: lượng nước tối ưu sử dụng cho tưới tiêu và lượng nước tối ưu dành để bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu tập trung vào vùng lòng chảo Murray - Darling. Nông nghiệp vùng này có khoảng 16,000 trang trại sử dụng đến gần 90% lượng nước sạch. Các dòng chảy đã giảm cả về lưu lượng và tần suất. Lượng nước hàng năm chảy ra biển chỉ còn khoảng 40%. Dù nông nghiệp vùng này tạo ra giá trị khoảng 5 tỷ đô la một năm nhưng đây cũng chính là cái giá phải trả cho môi trường.
Mô hình được hiệu chỉnh cho trường hợp sông Murray và số liệu cho thấy những phát hiện quan trọng. Thực tế ‘xung động’ hoặc lũ nhân tạo là phương pháp tối ưu để tạo ra các dòng chảy có lợi cho môi trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu trong giai đoạn 2001 – 2009 phân bổ ít nước hơn cho tưới tiêu nông nghiệp và nhiều hơn cho môi trường thì có thể tạo ra lợi ích kinh tế từ 500 triệu đến 3 tỷ đô la.
Ông Frank Howarth, Giám đốc của Australia Museum đánh giá điều quan trọng là mô hình này có ý nghĩa toàn cầu bởi nó có thể áp dụng cho tất cả các hệ thống sông trên thế giới. Đây cũng là mô hình đầu tiên trên thế giới giúp các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách có căn cứ khoa học để đưa ra quyết sách phân bố nguồn nước có lợi cho cả môi trường và kinh tế.
Như vậy, một lần nữa tài năng và trí tuệ của người Việt lại được vinh danh trong nền khoa học quốc tế. Điều này cũng đặt ra cho các nhà quản lý Việt Nam câu hỏi làm thế nào để sử dụng và phát huy nhân tài phục vụ cho quá trình phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Tiến sĩ Chu Hoàng Long hiện là giảng viên của Trường Kinh tế và Quản trị Crawford thuộc Trường Đại học Quốc gia Úc (ANU), có lĩnh vực chuyên môn về Toán kinh tế, Kinh tế thủy sản… Tiến sĩ Chu Hoàng Long từng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, hoàn thành chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ Kinh tế tại ANU.
Nguồn Dân Việt