Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đầu tư xây dựng cơ bản

Sáng ngày 23-9, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị chuyên đề Công tác xây dựng cơ bản năm 2011. Tham dự còn có các đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; Ban quản lý dự án và các huyện, thành phố.

(NTO) Năm 2011, tỉnh ta có kế hoạch đầu tư 129 công trình xây dựng cơ bản phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về cắt giảm chi tiêu công, UBND tỉnh đã tạm dừng thi công 9 công trình. Tính đến ngày 15-9, tổng vốn cho đầu tư phát triển gần 1.882,86 tỷ đồng, tăng 40,3% so với cùng kỳ.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Ảnh: Văn Miên

Đến nay, đã giải ngân được trên 1.136,5 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch, trong đó vốn trong nước đạt 66%, vốn ngoài nước đạt 16%. Nhiều nguồn vốn giải ngân đạt cao như vốn xây dựng cơ bản tập trung 95%, vốn hỗ trợ mục tiêu  63%, vốn trái phiếu Chính phủ 59%, vốn thu tiền sổ xố kiến thiết 69%, vốn vay Ngân hàng Phát triển giải ngân 55%. Đến nay, tổng nhu cầu vốn cần thanh toán các công trình xây dựng cơ bản là 169,796 tỷ đồng/108 công trình, đã có 7 công trình hoàn thành có quyết toán, 23 công trình hoàn thành đã bố trí thanh toán vốn trên 86%. Các công trình lớn đẩy nhanh tiến độ thi công như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Dự án nước Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, cầu Ninh Chử, Nhà Bảo tàng, Tượng đài, đường đôi vào Tp.Phan Rang-Tháp Chàm có tỷ lệ bố trí vốn cao từ 66,3-92%. Đến nay, đã thi công hoàn thành 47 công trình, đang thi công 69 công trình; dự kiến đến cuối năm có thêm 26 công trình hoàn thành.

Nhìn chung công tác đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian qua thực hiện đúng quy trình, đảm bảo thời gian, các nguồn vốn Chính phủ giao bổ sung được phân bổ kịp thời. Công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch vốn đầu tư phát triển được thực hiện linh hoạt, những nguồn vốn chưa có nhu cầu sử dụng điều chuyển sang các công trình bức xúc, nhất là nhu cầu về vốn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, công trình còn thiếu nhiều vốn, công trình hoàn thành nhưng chưa bố trí vốn thanh toán. Mặc dù thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP nhưng tỉnh ta chủ động kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nên đã được bổ sung nguồn vốn khá lớn, góp phần giải quyết nhu cầu bức xúc về vốn cho các công trình. Công tác phân cấp quản lý vốn đầu tư cho các địa phương được quan tâm theo hướng ngày càng đồng bộ hơn.

Các đại biểu nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Văn Miên.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, đó là: Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án còn vướng mắc, kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công; năng lực nhà đầu tư, đơn vị tư vấn còn hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu mới về quản lý đầu tư và xây dựng; một số công trình thực hiện theo phương thức nhà thầu cam kết ứng vốn trước thi công nhưng do năng lực tài chính, kỹ thuật, có trường hợp thi công cầm chừng dẫn đến tiến độ không đảm bảo theo kế hoạch; công tác tham mưu phân bổ chi tiết một số nguồn vốn chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cho dự án,…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao những nỗ lực của các ngành, các địa phương về thực hiện công tác xây dựng cơ bản trong 9 tháng đầu năm. Mặc dù nguồn vốn đầu tư phát triển Trung ương giao cho tỉnh tăng nhiều so với năm trước, nhất là nguồn vốn bổ sung nhưng tiến độ giải ngân nhanh, kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng tâm, trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên vẫn còn một số ngành, địa phương chưa thấy hết trách nhiệm nên đầu tư giàn trải, năng lực quản lý công trình hạn chế dẫn đến tiến độ thi công công trình chậm, nợ vốn cao.

Trong quý IV, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm, công trình dân sinh, phòng chống lụt bão. Các chủ đầu tư cần rà soát các thủ tục theo quy định để giải ngân các nguồn vốn, để tất toán công trình. Trong trường hợp không thực hiện kịp thời sẽ có biện pháp chế tài. Những nợ cũ từ các công trình xây dựng cơ bản, các huyện, thành phố có báo cáo cụ thể, nêu rõ nguyên nhân gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND tỉnh xem xét giải quyết. Những kiến nghị về thiếu vốn giải tỏa mặt bằng, vốn xây lắp các công trình, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết, trên tinh thần ưu tiên sớm nguồn vốn cho những công trình, dự án bức xúc hiện nay.

Ông Nguyễn Đình Linh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh:

So với cả nước thì tỉnh ta xếp thứ 28/63 tỉnh, thành về giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, qua rà soát tình hình đầu tư xây dựng trên địa bàn cho thấy, có nhiều địa phương, đơn vị giao kế hoạch vốn chưa đúng. Theo quy định thì dự án được phê duyệt trước ngày 30-10 của năm thì mới được ghi vốn kế hoạch, nhưng có trường hợp dự án chưa được phê duyệt vẫn được bố trí kế hoạch vốn, dẫn đến tình trạng có nhiều dự án giao kế hoạch vốn quá thấp, có dự án giao quá cao so với tổng mức đầu tư được duyệt. Để nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu trong việc hoàn tất các thủ tục thanh toán theo quy định, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác quyết toán công trình để bố trí thanh toán vào dịp điều chỉnh kế hoạch cuối năm 2011 hoặc kế hoạch đầu năm 2012.


 
Ông Phan Tấn Cảnh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng:

Khó khăn nhất hiện nay của đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là luôn bị động vốn khi công trình được thi công xong, nhưng chưa thanh quyết toán được. Vấn đề này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do việc lập hồ sơ thanh toán giữa chủ đầu tư, nhà thầu và kho bạc còn chưa đồng bộ. Vì thế, chủ trương và nhiệm vụ trọng tâm mà Sở Xây dựng đặt ra để chấn chỉnh những hạn chế trong xây dựng cơ bản đó là công tác quản lý nhà nước, bằng việc tiến hành kiểm tra, sắp xếp và phân cấp cụ thể năng lực của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động có liên quan đến lĩnh vực tư vấn, thiết kế và giám sát xây dựng. Qua đó, giúp các chủ đầu tư không chỉ an tâm trong việc ký hợp đồng thuê nhà tư vấn, nhà thầu mà còn thuận lợi trong việc lập hồ sơ thanh toán với kho bạc.


 
Ông Phạm Văn Đình, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông (Sở Giao thông vận tải):

Trong phân bổ kế hoạch đầu tư năm 2011, UBND tỉnh đã quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về các giải pháp cấp bách, chỉ đạo điều hành của Nhà nước đối với lĩnh vực này. Theo đó, ngành Giao thông vận tải chỉ bố trí vốn khởi công những dự án đủ thủ tục đầu tư, đảm bảo nguồn vốn thực hiện. Nhưng thực tế trong quá trình triển khai, có một số công trình, dự án như: Đường Phú Thọ- Mũi Dinh, đường Bình Tiên – Vĩnh Hy, cầu An Đông... công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc và thời gian kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nên công tác giải ngân vốn còn chậm. Trước thực tế này, đề nghị UBND tỉnh quan tâm cấp vốn để chủ đầu tư giải ngân cho nhà thầu theo cam kết trong hợp đồng.



 
Ông Võ Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam:

Theo tôi, nguyên nhân các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ, thứ nhất là do giá nhân công, nguyên vật liệu thường xuyên biến động nên nhiều dự án phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư. Thứ hai là do năng lực một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn còn hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu mới về quản lý đầu tư và xây dựng, dẫn đến việc khảo sát, lập dự án chưa chính xác, phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Thứ ba là một số công trình thực hiện theo phương thức nhà thầu cam kết ứng vốn trước thi công, nhưng do năng lực tài chính không đáp ứng yêu cầu, nên thi công cầm chừng. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương đôi lúc còn chưa đồng bộ và gắn kết trách nhiệm trong việc thẩm định tính khả thi của dự án. Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát để có biện pháp xử lý đối với các dự án chậm tiến độ.