(NTO) Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: “Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2006 – 2010, ngành đã triển khai thực hiện mới 60 đề tài, dự án với tổng kinh phí trên 61 tỷ đồng. Trong đó, có 2 đề tài cấp nhà nước, 4 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi thuộc bộ và 54 đề tài, dự án cấp tỉnh. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2011, ngành đã nghiệm thu 12 đề tài, dự án cấp tỉnh, 1 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi và bàn giao kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học của 36 đề tài, dự án cho 12 cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án trong giai đoạn này đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế, xã hội trong tỉnh. Cụ thể như trong lĩnh vực nông nghiệp, các đề tài, dự án đã tập trung vào nghiên cứu, lựa chọn những giống cây, con mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như giống nho ăn tươi, nho làm rượu, bắp, mì, đậu, cừu, rong biển…
Mô hình trình diễn trồng lúa nước ở hai thôn Đá Hang và Cầu Gãy
mang lại hiệu quả cho người dân.
Các đề tài, dự án khoa học đã được bà con nông dân và các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp nhận, ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như Dự án thực hiện Mô hình phát triển toàn diện vùng gò đồi hoang hóa ở xã Ma Nới; đề tài thử nghiệm công nghệ bảo quản hành giống; nghiên cứu thử nghiệm, chuyển giao các quy trình nuôi sò huyết, ốc hương, tôm càng xanh, cá rô đồng, hàu... Đặc biệt, với đề tài nghiên cứu di giống trồng thử nghiệm, hoàn thiện kỹ thuật trồng, thu hoạch, bảo quản các loài rong sụn đã góp phần đưa diện tích trồng rong sụn của tỉnh ta từ 23ha (năm 2001) đến nay trên 450 ha. Cùng với đó, ngành còn nhân rộng ứng dụng 10 hệ thống bơm va, bơm thuỷ luân trên toàn tỉnh, cung cấp nước tưới cho 43 ha trồng lúa, cỏ, điều ghép, bắp lai, cây ăn quả và cung cấp nước phục vụ chăn nuôi, sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân trong tỉnh. Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển giao công nghệ ứng dụng vào sản xuất và đời sống, hiện ngành KH&CN đã xúc tiến xây dựng 2 trang trại sản xuất nho đạt tiêu chuẩn VietGap và thương hiệu nho sạch là Ba Mọi và Ninh Phú để đưa nho NH01-48 vào các siêu thị trong tỉnh và TP.Hồ Chí Minh; triển khai hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” trên 20 ha lúa của bà con nông dân xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước; chăn nuôi bò thịt vỗ béo tại xã Công Hải (Thuận Bắc); nuôi heo địa phương tại Phước Tiến (Bác Ái); trồng rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm tại phường Văn Hải (Phan Rang – Tháp Chàm)... mang lại hiệu quả rất tốt.
Không chỉ chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học, Sở KH&CN còn quan tâm mở các lớp tập huấn để phổ biến, nhân rộng các thành tựu, tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho hàng ngàn lượt đối tượng là cán bộ khuyến nông cơ sở, nông dân. Nhờ đó, kỹ năng sản xuất của người dân đã được nâng lên, nhất là từng bước làm chuyển đổi tập quán sản xuất lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, miền núi. Đơn cử như ở hai thôn Đá Hang và Cầu Gãy của xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, trước đây khi dự án “Xây dựng hệ thống canh tác xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc” chưa được triển khai trên địa bàn, bà con dân tộc Raglai ở đây chỉ biết sản xuất theo phương pháp trồng thả (xuống giống mà không chăm sóc rồi chờ đến ngày thu hoạch), nhưng từ đầu năm 2011 đến nay, thông qua dự án KH&CN cấp tỉnh, do Văn Phòng UBND tỉnh và Phân hiệu Đại học Nông Lâm tại Ninh Thuận phối hợp triển khai thì nhận thức của bà con về kỹ thuật canh tác lúa nước đã nâng lên rất nhiều.
Từ những kết quả trên cho thấy, công tác đưa KH&CN vào phục vụ sản xuất là một hoạt động hết sức cần thiết. Ngoài nhiệm vụ làm cầu nối chuyển giao khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, còn thông tin kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn đến với người nông dân một cách rất hiệu quả. Để đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học vào phục vụ sản xuất, nhất là thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, trong thời gian tới Sở KH&CN tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học-công nghệ cho nông dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, sản phẩm có tính đặc thù theo hướng sản xuất hàng hóa. Đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.
Văn Thanh