Trở lại các làng Chăm huyện Ninh Phước vào những ngày giữa tháng chín năm nay, chúng tôi gặp nông dân địa phương nhộn nhịp vào mùa thu hoạch lúa hè thu. Lúa vàng thẫm chật kín sân phơi, lúa chất đầy hiên nhà, lúa xuôi về thành phố. Trên khuôn mặt của bà con các làng Chăm sáng bừng niềm vui cây lúa trúng mùa được giá, góp phần để bà con phấn khởi đón mừng lễ hội Ka tê 2011. Cùng với các chính sách đầu tư của Nhà nước, nhân dân đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn đưa nhịp sống vùng đồng bào Chăm phát triển no ấm bền vững.
Chị Hán Thị Thẩm ở thôn Hiếu Lễ thu hoạch lúa hè thu 2011 đạt năng suất 8 tạ/sào
Trao đổi với đồng chí Lưu Nào, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ninh Phước, chúng tôi được biết huyện Ninh Phước có gần 40.000 người Chăm sinh sống tại 20 thôn, khu phố thuộc 6 xã, thị trấn, chiếm 30% dân số địa phương.Những năm qua Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống giao thông, nước sinh hoạt, trường học, cơ sở y tế, phát triển làng nghề truyền thống, nhà văn hóa cộng đồng, cải thiện nhà ở người nghèo đã tạo động lực mới cho tiến trình xây dựng nông thôn mới bền vững ở các vùng đồng bào dân tộc Chăm. Trong đó có các làng nghề được Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đô thị như Mỹ Nghiệp, Bàu Trúc, Chung Mỹ. Bà con tiếp thu tiến bộ kỹ thuật ứng dụng hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp như mô hình “ba giảm, ba tăng” và mô hình “một phải, năm giảm” đưa năng suất cây lúa vụ hè thu năm nay đạt trên 70 tạ/ha, tăng 15 tạ so với vụ trước. Trồng lúa kết hợp chăn nuôi gia súc và sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống là nguồn thu nhập chính của nông dân vùng đồng bào Chăm, bình quân thu nhập mỗi nhân khẩu đạt gần 9 triệu đồng/năm. Đời sống đồng bào Chăm ở các địa bàn dân cư ngày càng khởi sắc góp phần cùng nhân dân toàn huyện giảm hộ nghèo theo chuẩn mới còn dưới 8,5%.
Thầy giáo Đổng Bé dạy chữ Chăm cho học sinh Trường Tiểu học Hiếu Lễ
Hệ thống trường lớp phát triển rộng khắp với 3 trường THPT, 10 trường THCS, 33 trường tiểu học và 12 trường mẫu giáo thu hút trên 27 ngàn học sinh các cấp học đến trường. Học sinh các trường tiểu học vùng đồng bào Chăm đều được học chữ Chăm. Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ ở các địa bàn dân cư vùng đồng bào Chăm động viên con em học hành thành đạt trở thành đội ngũ cán bộ cốt cán địa phương. Đảng bộ huyện Ninh Phước quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ đảng viên vùng đồng Chăm. Toàn huyện hiện có 385 đảng viên đồng bào Chăm được phân công đảm nhận vai trò chủ chốt trong hệ thống chính trị. Đội ngũ đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu góp phần quan trọng xây dựng đời sống nông thôn mới ở địa bàn dân cư ngày càng khởi sắc.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước nhiệm kỳ 2011- 2015, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo hệ thống chính trị huy động mọi nguồn lực xây dựng kinh tế địa phương phát triển nhanh, bền vững. Trong đó chú trọng thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa. Phát huy hiệu quả các làng nghề truyền thống vùng đồng bào Chăm, giảm số hộ nghèo hàng năm 1- 1,2%.
Chia tay đồng chí Lưu Nào, chúng tôi về xã Phước Thái đến thăm cả sư Trượng Định, Chủ tịch Hội đồng chức sắc lâm thời Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận. Cả sư Trượng Định phấn khởi nói: "Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Chăm. Từ xưa đến nay, chưa bao giờ bà con các làng Chăm xây dựng được nhiều nhà ngói to đẹp như bây giờ. Điều đó cho thấy đời sống bà con ngày càng phát triển no ấm, an vui. Con em đồng bào dân tộc Chăm được học hành thành đạt, nhiều cháu trở thành bác sỹ, kỹ sư, giáo viên phục vụ tốt cho xã hội. Hội đồng chức sắc lâm thời Chăm Bàlamôn động viên bà con dân tộc Chăm đoàn kết chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Lễ hội Katê năm 2011 chính thức diễn ra tại các đền tháp vào ngày 27 tháng 9 dương lịch, nhằm ngày mùng 1 tháng 7 Chăm lịch. Chúng tôi hướng dẫn Ban phong tục và các gia đình tổ chức Katê vui tươi, tiết kiệm, an toàn".
Nông dân xã Phước Hậu khẩn trương làm đất gieo lúa vụ mùa 2011.
Nông dân các xã Phước Thái, Phước Hậu, Phước Hữu thu hoạch đến đâu khẩn trương làm đất gieo lúa vụ mùa tới đó. Bà con áp dụng thiết bị cơ giới nông nghiệp từ làm đất đến thu hoạch. ”Vụ hè thu năm nay, bà con nông dân xã Phước Hậu chúng tôi trồng lúa đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay. Gia đình tôi gieo 4,4 sào giống ML 202 thu hoạch đạt 3,5 tấn, bình quân một sào đạt 8 tạ. Giá lúa tại địa phương 6.000 đồng/kg bảo đảm cho người trồng lúa có lãi trên 20 triệu đồng/ha. Nhờ trồng lúa kết hợp chăn nuôi gia súc, tôi có đủ điều kiện nuôi hai con học đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Thu hoạch lúa trúng mùa được giá giúp bà con thôn Hiếu Lễ chúng tôi vui đón Ka tê 2011 trong tinh thần tiết kiệm dành dụm vốn liếng tiếp tục đầu tư sản xuất vụ mùa và nuôi con ăn học”, chị Hán Thị Thẩm 51 tuổi ở thôn Hiếu Lễ ngừng tay xúc lúa trước sân nhà bộc bạch niềm vui.
Sơn Ngọc