(NTO) Chị Trần Thị H. ở xã Phước Đại, huyện Bác Ái được kẻ giấu mặt gọi vô điện thoại thông báo trong đợt quay số mở thưởng mừng Quốc khánh, chị là khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông may mắn được trúng thưởng 235 triệu đồng. Chị H. phải nộp tiền thuế thu nhập vào số tài khoản của kẻ giấu mặt là 17,5 triệu đồng. Ngay sau khi nhập tiền vào tài khoản tại Ngân hàng NN&PTNT huyện Bác Ái, chị H. sẽ được nhận thưởng 235 triệu đồng tại Kho Bạc Nhà nước tỉnh. Chị H. chạy vạy mượn người thân gom đủ 17,5 triệu đồng nộp vào số tài khoản theo thông báo. Sau đó, H. xuống Kho bạc Nhà nước tỉnh trình chứng minh nhân dân để lãnh thưởng thì sự việc mới vỡ lở là không có ai chuyển tiền trúng thưởng cho chị qua hệ thống Kho bạc. Chị H. gọi vô số điện thoại của kẻ gian thì nhận được thông báo “số máy này hiện thời không liên lạc được”. Lúc này, chị H. tá hỏa biết mình bị lừa đảo. Chị tức tốc báo cáo sự việc với các ngành chức năng kịp thời phong tỏa số tài khoản của kẻ gian. Rất may là số tiền chị H. chuyển vào tài khoản của người xưng danh là nhân viên ngành Bưu điện nhưng kẻ gian chưa kịp rút. Chị H. nhận lại đủ tiền tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Bác Ái.
Một trường hợp bị lừa tương tự là chị Nguyễn Thị M. ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam. Khi nhận được thông báo trúng thưởng 175 triệu đồng, chị M. vay mượn tiền nóng được 12 triệu đồng đến ngân hàng nộp vào tài khoản của kẻ gian với hy vọng trúng thưởng theo chương trình khuyến mãi của dịch vụ viễn thông. Theo lời hẹn của kẻ gian, sau khi chị M. nộp đủ tiền thuế, đơn vị viễn thông sẽ phát thưởng tận nhà. Chị M. ngồi chờ mỏi mệt qua nhiều ngày không thấy tăm hơi đại diện đơn vị viễn thông đến nhà phát thưởng. Mất trắng 12 triệu đồng bị kẻ xấu lừa, sợ ba mẹ la rầy và sợ làng xóm dị nghị nên chị M. đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Ngoài “chiêu” lừa “alô” thông báo sử dụng dịch vụ viễn thông trúng thưởng lớn, những người bán hàng lưu động tới tận nhà sử dụng “chiêu” bốc thăm trúng thưởng liền. Đơn cử, chị Phan Thị N. ở phường Đô Vinh được những người bán dạo bếp điện từ dán nhãn “made in Japan” với giá 1,8 triệu đồng/chiếc. Khi mua bếp được bảo hành 3 năm và được khuyến mãi bộ son nồi inox 4 chiếc lớn nhỏ đều đóng nhãn “made in Germany”. Ngoài ra, chị còn được bốc thăm trúng thưởng 4 chai dầu gội đầu và sữa tắm “made in Korea”. Chị N. phấn khởi móc hầu bao trả tiền vì mua một chiếc bếp từ được “khuyến mãi” 8 món hàng cao cấp. Sau khi người bán hàng đi khỏi, chị N. qua khoe với tôi về sự tiện dụng của bếp từ và những món hàng “khuyến mãi” của nhà cung cấp. Tôi vô mạng google tra cứu thương hiệu chiếc bếp từ chị N. mua do Trung Quốc sản xuất chỉ có giá 500-600 ngàn đồng. Bốn chiếc nồi inox và 4 chai sữa tắm là hàng trôi nổi, trị giá khoảng 300- 400 ngàn đồng. Chị N. đã mất trên 800 ngàn đồng. Chiếc bếp từ sử dụng một thời gian ngắn thì mặt bếp cong queo. Chị gọi vô số điện thoại Công ty cung cấp sản phẩm thì nhận được thông báo số máy này không có thật!
Nhân dân các địa phương cần cảnh giác và kịp thời báo cho cơ quan Công an khi nhận được thông tin nộp tiền thuế thu nhập vào tài khoản của kẻ gian để nhận tiền trúng thưởng từ sử dụng dịch vụ viễn thông. Đồng thời, bà con cũng thận trọng khi mua hàng điện máy trôi nổi với chiêu lừa khuyến mãi “hậu hỉnh” của những người bán dạo để tránh cảnh mua hàng chất lượng kém với giá cao.
Sơn Ngọc