(NTO) Từ họp chợ lấn đường
Chợ đêm Tấn Tài- một trong những đầu mối giao thương hàng hóa, rau, củ quả,…quan trọng của thành phố, nhiều năm nay đang phải chấp nhận một thực trạng là lấy lòng đường làm nơi họp chợ. Do là chợ họp ban đêm (từ 12 giờ khuya đến sáng) nên phương án cho họp chợ trên đường nghe ra khá hợp lý: vừa tranh thủ mặt bằng, tạo công ăn việc làm cũng như giao thương hàng hóa thuận lợi. Tuy nhiên phải thấy rằng, tình trạng lộn xộn mất ATGT ở đây rất khó kiểm soát. Vào mỗi buổi tối, lượng xe chở hàng hóa qua lại rất nhiều, trong lúc đó người bán, người mua lại chỉ chú tâm vào việc trao đổi, buôn bán nên rất dễ xảy ra TNGT. Mặt khác, theo quy định chợ chỉ họp đến 6 giờ sáng, tuy nhiên do có nhiều hàng “ế chợ” nên các tiểu thương vẫn nán ngồi lại “vớt vát” thêm cho đến 7 – 8 giờ sáng, gây cản trở cho người và phương tiện tham gia giao thông. Phải đến khi có lực lượng chức năng tới nhắc nhở, sắp xếp trật tự thì mới chấp hành.
Cảnh lấn chiếm lòng, lề đường trước chợ Tháp Chàm.
Tại chợ Tháp Chàm, cảnh họp chợ lấn đường giao thông cũng lộn xộn không kém. Khi qua đoạn đường này, tất cả các loại phương tiện đều phải đi chậm như “rùa” bởi không chỉ hàng quán được bày ra đường mà người mua còn dựng xe ngay giữa lòng đường để hỏi mua, mặc cả giá, thậm chí khóa cả cổ xe ở bên đường để tranh thủ vào chợ. Buổi trưa và chiều, dù bạt căng lụp xụp, rác thải vứt bừa bãi xuống đường làm con đường chật chội càng trở nên nhếch nhác, ách tắc…
Tình trạng họp chợ trên đường thấy rõ nhất, đó là tại đường vào chợ Đô Vinh. Cứ vào mỗi chiều, trong chợ thì không bày bán, mà tư thương kéo nhau ra họp chợ ngay ngoài đường. Theo nhiều tiểu thương cho biết, nguyên nhân là do chợ được bố trí xây dựng sâu trong hẻm nên không tiện việc mua bán… Do đây là đoạn đường cua, dốc, gần ngã tư, lượng xe lưu thông nhiều nên mối nguy hiểm vẫn luôn rình rập. Chính quyền địa phương cũng như Ban quản lý chợ đã nhiều lần “khuyên”, “đuổi” không cho họp chợ ở đây, nhưng nhiều năm nay chợ vẫn cứ họp trên đường như chuyện rất bình thường.
Đến quán “cóc” vỉa hè
Cách đây không lâu, trước dịp tỉnh ta tổ chức Liên hoan làng biển, Công an phường Phủ Hà đã tổ chức lực lượng giải tỏa một số hàng bán trái cây trên đường 21 Tháng 8 (đoạn gần Ngã tư Quang Trung) do vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Chính vì thế “chợ” trái cây tự phát ở đây mới bị dẹp được một thời gian. Đến nay tại đây, lại xuất hiện một số hàng bán đồ chơi trẻ em, nhưng người bán đã “rút kinh nghiệm” là treo hàng phía sau xe máy chứ không bày ra trên đường nữa để tiện khi “động” thì “chạy” thoát khỏi lực lượng chức năng.
Không những thế, tại những khu vực công cộng như: Quảng trường 16 Tháng 4, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà Văn hóa Thanh-Thiếu niên tỉnh, cổng bệnh viện, các trường học, hàng quán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè cũng san sát mọc lên.
Qua một cuộc khảo sát nhỏ, chúng tôi thống kê được xung quanh Trung tâm Văn hóa tỉnh hiện có gần hàng chục quán “cóc” bán cà phê sáng (hầu như bao quanh khu vực này). Những điểm này chiều đến lại trở thành những quán nhậu bình dân. “Có cầu ắt có cung”, tại các quán luôn có rất đông khách, chính vì thế mới có chuyện các chủ quán giành nhau từng gốc cây, từng khoảng trống để có chỗ đặt bàn ghế. Cùng với việc gây mất trật tự, mỹ quan thì vỉa hè, nơi được coi là để dành cho người đi bộ đã được sử dụng không đúng mục đích. Do không có chỗ để đi nên nhiều người đi bộ xuống lòng đường. Và, gần đây đã có không ít trường hợp người đi bộ bị xe máy gây tai nạn rất đáng tiếc.
Thiết nghĩ, không chỉ tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông mà các địa phương, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, xử phạt những trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán để đảm bảo đường thông hè thoáng và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp.
Anh Tuấn