Theo báo cáo, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, tại xã Phước Dinh (Thuận Nam) có diện tích trên 595,9 ha, số hộ dân bị ảnh hưởng di dời cần tái định cư là 477 hộ/2.084 nhân khẩu và dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) có diện tích trên 670 ha, số hộ dân bị ảnh hưởng di dời cần tái định cư 811 hộ/2.827 nhân khẩu. Hiện nay, các địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai công tác thu hồi đất, điều tra, khảo sát, ghi nhận hiện trạng, đo đạc, kiểm kê, quy chủ, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2025 để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) xây dựng nhà máy. Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực NLNT, các sở, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt bằng nhiều hình thức đến đông đảo người dân; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về NLNT được quan tâm, chú trọng; thực hiện tốt công tác phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đối với đóng góp ý kiến phục vụ thẩm tra dự án luật NLNT (sửa đổi), nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ xây dựng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, đáp ứng mục tiêu củng cố an ninh năng lượng quốc gia trong tình hình mới, tỉnh đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản như: Bổ sung thêm quy định về thanh sát hạt nhân, các hoạt động quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, văn hóa an toàn hạt nhân; bổ sung công việc chuyển nhượng, xuất nhập khẩu thiết bị bức xạ, thử nghiệm thiết bị bức xạ; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vận chuyển vật liệu phóng xạ…

Thành viên Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã chủ động, tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện dự án, nhất là công tác GPMB, xây dựng các phương án tái định cư gắn với tạo sinh kế cho người dân vùng dự án Nhà máy điện hạt nhân. Đồng chí kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, bố trí vốn để đẩy nhanh quá trình thực hiện di dân, tái định cư, GPMB; sớm có văn bản hướng dẫn, giải đáp các nội dung liên quan đến khuyến cáo thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi nhấn mạnh: Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thay thế hiệu quả các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện nay.

Đồng chí Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị phục vụ triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong thời gian qua; đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh thực hiện hoàn thành các quy trình, thủ tục bồi thường, GPMB đảm bảo tiến độ theo quy định. Nghiên cứu và đề xuất Trung ương hỗ trợ các chính sách phù hợp; thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi nghề, bố trí ổn định khu tái định cư gắn với nâng cao các tiện ích sinh hoạt phục vụ đời sống cho người dân. Riêng các ý kiến đóng góp của tỉnh về điều chỉnh, bổ sung dự án Luật NLNT, Đoàn sẽ tổng hợp trình lên Quốc hội xem xét sửa đổi phù hợp với thực tế.

Đoàn Công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát thực tế vị trí xây dựng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh.
Trước đó, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đến khảo sát thực tế vị trí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh.
Hồng Lâm