Ninh Thuận được mệnh danh là “Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, với những lợi thế phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, du lịch (DL), nông nghiệp công nghệ cao. Nhằm khai thác lợi thế, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh liên kết với các địa phương, liên kết vùng để đánh thức tiềm năng, tạo động lực cho sự phát triển.
Hoạt động liên kết ngày càng được mở rộng, đã xóa được rào cản về địa lý để Ninh Thuận hòa nhập vào dòng chảy phát triển chung của đất nước. Đến nay, tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển với các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Phú Yên... trên các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển DL, công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, giáo dục, y tế, văn hóa. Gần đây nhất là vào năm 2023, Ninh Thuận tham gia Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ, đã tạo đột phá thúc đẩy tăng trưởng cho tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Đồng Nai tham quan gian hàng các sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Thuận tại Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: P.B
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ tổ chức vào tháng 10/2024 tại Tp. Quy Nhơn (Bình Định) vừa qua, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tham luận, khẳng định chương trình hợp tác đã đem đến cho Ninh Thuận nhiều dự án lớn; trong đó, có những dự án trọng điểm về DL, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác, các doanh nghiệp DL TP. Hồ Chí Minh đã chủ động thay đổi lộ trình tham quan phù hợp với tình hình mới. Nhiều doanh nghiệp đã thiết kế các tour ngắn ngày, dài ngày dành cho khách DL tham quan Ninh Thuận mà trước đây những tour này chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Đăng ký tour dài ngày, du khách có nhiều thời gian hơn để tham quan cung đường ven biển, khám phá những điểm đến hấp dẫn như bãi biển Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy...

Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp du lịch tỉnh Ninh Thuận và Hiệp hội Du lịch thành phố Gwangju (Hàn Quốc). Ảnh: V.Nỷ
Chương trình hợp tác đang được mở rộng ở tầm cao hơn. Theo đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận đề nghị TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ, triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm, như: DL; y tế; kết nối giao thông - vận tải; xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Với truyền thống hiếu khách và khát vọng vươn lên, Ninh Thuận sẵn sàng chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách ưu đãi, thủ tục đầu tư thông thoáng, nhanh chóng để các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố và đối tác trong và ngoài nước đến với Ninh Thuận tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Bàn về lựa chọn hướng liên kết, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ có lợi thế giống nhau, cùng đi chung một con đường, nhưng cần chọn lọc những dự án trọng tâm, có điểm nhấn để thu hút đầu tư, không nên dàn trải. Những gợi ý của lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đã mở hướng để Ninh Thuận xây dựng chương trình hợp tác, liên kết phát triển những lĩnh vực lợi thế, nhất là DL và năng lượng tái tạo.

Thành viên đoàn của bang Kerala (Ấn Độ) tham quan vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải). Ảnh: Phan Bình
Các chuyên gia đầu ngành cho rằng, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng DL, tuy nhiên do cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên phát triển chưa xứng tầm. Để bứt phá, DL Ninh Thuận phải chủ động liên kết phát triển với các tỉnh lân cận, hình thành các tour liên vùng đặc sắc, hấp dẫn. Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng là 4 địa phương thuộc cụm tứ giác phát triển DL quốc gia. Ngoài cụm liên kết truyền thống trên, Ninh Thuận cần mở rộng liên kết DL với các tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam... đi vào chiều sâu, có quy hoạch dài hạn và hằng năm tổ chức trao đổi học tập kinh nghiệm về quản lý, xây dựng tour DL, thường xuyên trao đổi thông tin về thị trường, chính sách DL giữa các địa phương, từ đó tạo nên mạng lưới liên vùng, liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ, mang lại sức hút đối với du khách.

Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của Ninh Thuận tại
Hội nghị sơ kết hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận năm 2024. Ảnh: Hồng Nguyệt
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ, trong đó có Ninh Thuận cần đẩy nhanh việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển để khai phá tiềm năng kinh tế biển; trên cơ sở đó, dựa vào vai trò “đỡ đầu” của TP. Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội đầu tư, thúc đẩy các dự án DL, kinh tế biển. Trong lựa chọn xúc tiến đầu tư, cần cô đọng, chọn ra dự án điểm nhấn để TP. Hồ Chí Minh cập nhật hỗ trợ; cần tư duy phát triển DL theo vùng, hình thành các tuyến, tour liên vùng lấy TP. Hồ Chí Minh làm đầu mối, điều phối và dẫn dắt. Cũng theo TS. Trần Du Lịch, vùng duyên hải Trung Bộ có thể phát triển nhiều lĩnh vực lợi thế, nhưng muốn tăng trưởng nhanh vẫn phải phát triển công nghiệp, mà công nghiệp ở đây là công nghiệp xanh, công nghiệp số. Với xu thế đó, những tỉnh có lợi về năng lượng tái tạo như Ninh Thuận cần phải đẩy mạnh hợp tác phát triển điện gió, điện mặt trời, điện ngoài khơi để tạo nguồn thu.
Ninh Thuận có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ giao thương quốc tế của khu vực và có điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển vùng. Trên địa bàn có cảng biển nước sâu Cà Ná, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 300.000 DWT. Với bờ biển dài trên 105km, có nhiều lợi thế nổi trội, là vùng nước trồi duy nhất của Việt Nam, địa hình địa thế bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp, trong đó vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, Vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Khu DL Bình Sơn - Ninh Chữ được quy hoạch đưa vào khu DL trọng điểm quốc gia... tạo cho Ninh Thuận có tiềm năng thế mạnh riêng có để phát triển ngành kinh tế biển, DL, đô thị, công nghiệp, năng lượng, logistics.

Cảng Tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam) có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 300.000 DWT. Ảnh: Văn Nỷ
Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo) hoàn thành; cảng biển tổng hợp Cà Ná đã đưa bến cảng 100.000 DWT vào hoạt động... mang lại ý nghĩa quan trọng và lợi ích nhiều mặt cho phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế, thu hút đầu tư vào Ninh Thuận.
Anh Tùng