Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được tỉnh Ninh Thuận xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), góp phần quan trọng xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

 Theo Sở Nội vụ, trong năm 2024, tỉnh đã hoàn thành 52/52 nhiệm vụ của năm theo kế hoạch CCHC đã đề ra. Các chỉ số liên quan đến công tác CCHC của tỉnh như chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS năm 2023 đều nằm ở nhóm trung bình cao của cả nước. Trong đó, nổi lên là công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đã có sự thống nhất, tập trung từ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thông qua việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch về đẩy mạnh công tác CCHC, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện CCHC. Về cải cách tổ chức bộ máy, tỉnh đã đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII. Thực hiện Nghị quyết số 1198/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023-2025; theo đó, từ ngày 1/11/2024 Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã giảm 3 ĐVHC cấp xã (tương ứng giảm 20 vị trí cán bộ cấp xã, 11 vị trí công chức cấp xã và 12 vị trí người hoạt động không chuyên trách cấp xã). Về cải cách công vụ, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng theo quy định. Tiếp tục thực hiện thí điểm đánh giá thông qua phần mềm đánh giá, gắn kết quả xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC hằng năm của cơ quan, địa phương. Thực hiện việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung trong công tác chuyển đổi số. Toàn tỉnh hiện có 26/26 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 7/7 UBND cấp huyện, 62/62 UBND cấp xã đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc được tích hợp chứng thư số và được gắn mã định danh. Cổng dịch vụ công tỉnh có 1.126 dịch vụ công trực tuyến, gồm 582 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 544 dịch vụ công trực tuyến một phần. Đến nay, đã tích hợp và thực hiện đồng bộ trạng thái lên cổng dịch vụ công quốc gia là 985/1.126 DVCTT đạt 87,48%.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Phan Bình

Đồng chí Trần Hải, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Nhằm đẩy mạnh các giải pháp thực hiện công tác CCHC trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết số 05-NQ/TU và Chỉ thị số 39-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chương trình hành động của UBND tỉnh nhằm cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Tập trung số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới theo chủ trương của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương qua tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm của các cơ quan, địa phương một cách cụ thể, khoa học, đúng quy định, sát thực tế; trên cơ sở đó, sắp xếp, bố trí nhân sự làm việc bảo đảm đúng tiêu chuẩn, yêu cầu của vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo, hiệu quả hoạt động. Tăng cường chuyển đổi mô hình hoạt động, xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, vai trò giám sát của HĐND, các đoàn thể và nhân dân đối với việc thực hiện công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương.