Năm 2024, ngành Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bám sát mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế-xã hội tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và từng địa phương. Việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra. Kết quả công tác năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, có một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật. Kết quả thi hành án dân sự đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong năm 2024, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 620.657 việc, tăng 45.838 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023; về tiền, đã thi hành xong hơn 116.531 tỷ đồng, tăng hơn 27.119 tỷ đồng (tăng 30,33%) so với cùng kỳ năm 2023. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước… Những kết quả đạt được đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và từng địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận làm rõ thực trạng, kết quả đạt được trong thực hiện công tác tư pháp năm 2024 tại các địa phương, đơn vị; chỉ ra những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ công tác tư pháp trong năm 2025.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, kết quả ngành Tư pháp đạt được thời gian qua; chỉ ra một số tồn tại, hạn chế toàn ngành cần khắc phục trong thời gian tới. Về nhiệm vụ năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị Bộ Tư pháp kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực của ngành Tư pháp, đặc biệt là công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp; xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”; phối hợp xây dựng các luật phục vụ kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường công tác chuyển đổi số; tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ, ngành Tư pháp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp; tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế…
Dịp này, Bộ Tư pháp đã vinh danh các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024 và phát động phong trào thi đua năm 2025.
Lâm Anh