Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bài cuối: Giải pháp phù hợp vì tương lai xanh

Ninh Thuận tự hào là địa phương được chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên của Việt Nam. Cùng với sự hỗ trợ đắc lực, hiệu quả của trung ương, sự nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền địa phương, Ninh Thuận đứng trước cơ hội lớn để xây dựng trở thành "trung tâm công nghiệp xanh, sạch" như kỳ vọng.

 Phát triển gắn với giải pháp an toàn bền vững

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã thông qua tờ trình về tiếp tục chủ trương đầu tư dự án ĐHN Ninh Thuận, qua đó khẳng định: Việc tái khởi động dự án ĐHN Ninh Thuận là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trên 3 quan điểm phát triển ĐHN gồm: Vì mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường; gắn với phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng quốc gia; từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ĐHN có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước.

Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trước đây. Ảnh tư liệu

Bốn mục tiêu cụ thể cũng được xác định gồm: Cung cấp nguồn điện nền, đóng góp đáng kể trong cơ cấu sản xuất điện, ổn định hệ thống điện, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, sinh thái. Xây dựng và đưa các nhà máy ĐHN vào khai thác vận hành an toàn, hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất rủi ro về môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho chương trình dài hạn về phát triển ĐHN. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh cho các cơ sở hạt nhân; kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật về kiểm soát an ninh, an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ; hoàn thiện khung pháp lý để phát triển ĐHN; xây dựng văn hóa an toàn hạt nhân và phổ biến rộng rãi trong xã hội. Xây dựng chương trình phát triển khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho các giai đoạn phát triển ĐHN.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Chính phủ sẽ xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển ĐHN; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, phát triển, khai thác, vận hành, bảo vệ, định mức tiêu chuẩn, quy phạm quản lý chất thải các nhà máy ĐHN; xây dựng kế hoạch nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ trong tình hình mới; đào tạo, phát triển xây dựng nguồn nhân lực ĐHN. Chính phủ cũng nghiên cứu khả năng nội địa hóa công nghệ ĐHN, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Sử dụng tối ưu nguồn lực đã có trong lĩnh vực ĐHN; tận dụng tối đa các kết quả đã thực hiện đối với dự án ĐHN Ninh Thuận 1 và ĐHN Ninh Thuận 2 trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục triển khai các dự án này; hình thành cơ quan chuyên trách về quản lý nhà nước đối với ĐHN; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động nhằm đạt được sự đồng thuận rộng rãi của xã hội đối với chương trình phát triển ĐHN.  

Cơ hội vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐHN có vai trò quan trọng trong phụ tải nền, tạo ra sự tin cậy và ổn định cho hệ thống điện. Trong bối cảnh trên, ĐHN là nguồn điện hầu như không phát thải CO2 (phát thải tương đương thủy điện và điện gió), sẽ là nguồn điện quan trọng trong cơ cấu nguồn điện sạch. Việc khởi động lại dự án ĐHN để phục vụ phát triển KT-XH được thể hiện trong bối cảnh các chính sách phát triển năng lượng bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và cam kết giảm phát thải carbon, đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương và lãnh đạo tỉnh khảo sát tại địa điểm quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Ông Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: ĐHN được xem là một giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh. Như vậy, bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo, ĐHN có thể giúp cân bằng nguồn cung năng lượng, bảo đảm ổn định cho nền kinh tế và xã hội trong dài hạn. Khởi động lại các dự án ĐHN, việc ứng dụng các công nghệ hạt nhân tiên tiến và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn cao nhất là rất quan trọng. Phát triển ĐHN sẽ tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước. Cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp và tài nguyên môi trường lên tầm cao mới; thúc đẩy các ngành công nghiệp nền tảng để phát triển đất nước (cơ khí chế tạo, đo lường, tự động điều khiển, công nghệ hóa học, vật liệu thép luyện kim...).

Việc khởi động lại các dự án ĐHN để phục vụ phát triển KT-XH là quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Để việc nghiên cứu, phát triển ĐHN đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” năm 2050, tỉnh Ninh Thuận rất kỳ vọng là địa phương được Chính phủ quan tâm, tạo cơ chế phát huy hiệu quả trong đầu tư phát triển. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ninh Thuận có tiềm năng về phát triển năng lượng nói chung, trong đó có năng lượng tái tạo, được Chính phủ xác định là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018. Tỉnh đã xác định năng lượng là ngành trụ cột quan trọng số 1 của tỉnh trong quy hoạch tỉnh. Do đó, tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương trong quá trình triển khai chiến lược phát triển ĐHN, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành “trung tâm công nghiệp xanh, sạch” nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Ninh Thuận, cũng như cho cả nước trong phát triển KT-XH.

Quyết định tái khởi động dự án ĐHN Ninh Thuận là một bước đi lịch sử, đầy ý nghĩa. Đây không chỉ là một dự án năng lượng trọng điểm quốc gia mà còn là một biểu tượng cho sự quyết tâm trong việc xây dựng một tương lai bền vững, thịnh vượng. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự đồng lòng của toàn xã hội, chúng ta tin tưởng rằng dự án sẽ sớm được triển khai, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận vào ngày 5/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến khảo sát địa điểm quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (Thuận Nam). Phát biểu tại buổi khảo sát, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định việc tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận là sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển và vì mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tổng Bí thư cho rằng, Ninh Thuận chính là “hạt nhân” của dự án năng lượng thế kỷ này của Việt Nam, Đảng và Nhà nước sẽ phải đảm bảo lựa chọn những công nghệ hạt nhân tốt nhất, chọn những đối tác tư vấn tốt nhất, đào tạo nhân lực quản lý tốt nhất để đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả dự án năng lượng này của quốc gia, không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ con cháu mai sau.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị tỉnh Ninh Thuận tập trung bám sát sự chỉ đạo của trung ương, hướng dẫn hỗ trợ của các bộ, ngành chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, chủ động tập trung triển khai tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; khẩn trương đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, bố trí khu tái định canh, định cư, đất sản xuất nhằm ổn định đời sống của người dân trong vùng dự án.