Cụ thể, các lễ hội truyền thống gồm: Lễ hội Katê của người Chăm; Lễ hội Cầu ngư tỉnh Ninh Thuận; Hệ thống nghi lễ đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa; Lễ Bỏ mả của người Raglai Ninh Thuận; Lễ Ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai (đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia); Hò Bả trạo trong Lễ hội cầu ngư đình, lăng Mỹ Nghĩa; Múa Náp tại Lăng thần Nam Hải thôn Mỹ Tân (đã được UBND tỉnh công nhận là di sản văn hóa phi vật thể); Lễ xuất quân đánh bắt, cầu mùa đầu năm; Lễ cúng Cá Ông tại các lăng, miếu thờ ông Nam Hải trong tỉnh của nhân dân vùng biển; Lễ tế xuân, tế thu tại các đình làng; Tết Nguyên đán; Lễ Giáng sinh; Lễ Phật đản; Lễ hội đua thuyền rồng; Lễ mở cửa đền, tháp; Lễ múa đầu năm (Rija Nưgar); Lễ Cầu đảo tại đền tháp (Yuer Yang); Lễ Cầu đảo tại núi Chà Bang (Pô Nai); Lễ ăn lúa mới; Tết Ramưwan và Lễ hội Sukyeng.
Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận tại tháp PoKlong Garai.
Lễ hội văn hóa gồm: Lễ hội Vang và Nho Ninh Thuận (2 năm/lần); Ngày hội Văn hóa Chăm (4 năm/lần); Ngày hội Văn hóa Raglai; Lễ hội ẩm thực và Lễ hội trái cây.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VH,TT&DL) chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố định kỳ hằng năm tổng hợp số liệu về những biến động (tăng, giảm) để phục vụ công tác quản lý nhà nước về các lễ hội trên địa bàn tỉnh; định kỳ thực hiện rà soát, kiểm kê và trình UBND tỉnh phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung danh mục các lễ hội trên địa bàn tỉnh; lựa chọn các lễ hội tiêu biểu, tham mưu UBND tỉnh lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án bảo tồn và phát huy giá trị đối với các lễ hội đã được Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bảo đảm theo quy định, quy mô và hình thức xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ VH,TT&DL phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm có cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ kịp thời trong việc nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng các lễ hội tiêu biểu đang có nguy cơ thất truyền và mai một; tham mưu ban hành chính sách, định mức phù hợp, kịp thời hỗ trợ các nghệ nhân đang thực hành tại các lễ hội, khen thưởng, vinh danh các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội.
Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức quảng bá các lễ hội của tỉnh đến du khách trong và ngoài nước; thẩm định các sản phẩm du lịch, khai thác và phát huy giá trị các lễ hội của địa phương...
T.D