Đẩy nhanh giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội

Từ đầu năm 2024 đến nay, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận tập trung làm tốt công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách và các nhiệm vụ được giao.

 Ông Lê Minh Lộc, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Trong quá trình hoạt động, chi nhánh thường xuyên tham mưu đẩy mạnh thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Trong 9 tháng năm 2024, tổng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 313,3 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn tăng mới 303 tỷ đồng và nguồn vốn năm 2023 chuyển sang 10,3 tỷ đồng. Nhằm đáp ứng kịp thời vốn phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, duy trì hỗ trợ giải quyết việc làm, chi nhánh kịp thời báo cáo UBND tỉnh, tham mưu Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức xét duyệt; duy trì hiệu quả, nền nếp việc giao dịch tại các điểm giao dịch xã với trang bị đầy đủ máy móc thiết bị và nâng cao chất lượng hoạt động của 1.650 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Người dân đến giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Thuận.

Cùng với đó, để nâng cao chất lượng phục vụ, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, phù hợp với xu thế thời đại công nghệ số, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh còn tập trung nguồn lực để phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam, thông qua việc cài đặt ứng dụng VBSP Smart Banking, cải cách đáng kể thủ tục hành chính, tối ưu hóa thời gian giao dịch, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn tín dụng chính sách ưu đãi nhanh chóng. Trong 9 tháng năm 2024, tổng kinh phí giải ngân đạt 891,2 tỷ đồng, tăng 55 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với 20.795 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn, tập trung vào các chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh, lắp đặt công trình nước sạch; đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 3.776 tỷ đồng, hoàn thành 92% tỷ lệ tăng trưởng so với năm 2023, với 82.264 khách hàng/108.739 món vay.

Để hộ vay chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng CSXH, các đơn vị phòng giao dịch Ngân hàng CSXH còn chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, hội, đoàn thể tuyên truyền phổ biến các nội dung cho vay, quyền lợi và trách nhiệm sử dụng vốn và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi theo quy định nhằm khơi thông nguồn thu, tạo lập vốn cho vay xoay vòng. Theo đó, doanh số thu nợ đạt 623,3 tỷ đồng, tăng 80,1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng tín dụng vẫn còn chịu nhiều yếu tố tác động nên vẫn chưa bền vững, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh còn cao; một số trường hợp cho vay người chấp hành xong án phạt tù đã tái phạm tội, gây ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn; Chính phủ hiện chưa giao vốn để cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, do đó chưa có cơ sở tiến hành cho vay.

Với quyết tâm hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao trong năm 2024, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn. Phối hợp cùng với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong quản lý, tổ chức bình xét cho vay đúng đối tượng gắn với hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đẩy mạnh công tác huy động vốn; kiểm tra, giám sát cũng như các giải pháp thu hồi, giảm nợ quá hạn... 




  

 

tin mới