Khẩn trương khoanh vùng, dập dịch tả lợn châu Phi

Từ ngày 24/9, trên địa bàn thôn Nha Hố 1, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) xuất hiện tình trạng lợn bệnh, chết rải rác. Ngay khi xác minh, điều tra dịch tễ cho kết quả dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), ngành nông nghiệp tỉnh đã khẩn trương phối hợp với địa phương triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), DTLCP xảy ra trên đàn lợn 65 con của hộ ông Nguyễn Văn Mới và hộ bà Nguyễn Thị Liên ở thôn Nha Hố 1, xã Nhơn Sơn. Tính đến sáng 26/9, số lượng lợn chết là 52 con, tiêu hủy 13 con/65 con tổng đàn.

Đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xã Nhơn Sơn có tổng đàn lợn hiện nay đã kê khai 1.250 con/33 hộ chăn nuôi, tập trung tại thôn Nha Hố 1 (677 con/5 hộ); trong đó, có 1 trại nái 648 con của Công ty CP và 4 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ 29 con. Các hộ nuôi phân tán rải rác, phương thức nuôi truyền thống nên việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, an toàn sinh học trong chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Tại thời điểm kiểm tra, hộ ông Nguyễn Văn Mới và hộ bà Nguyễn Thị Liên chưa thực hiện kê khai chăn nuôi tại địa phương, 2 hộ sống gần nhau, đàn lợn của 2 hộ đều có các triệu chứng như nhau và thời điểm phát bệnh chỉ cách nhau vài ngày. Nguyên nhân do thời tiết tại địa phương đang ở giai đoạn chuyển mùa, mưa nhiều nên làm giảm sức đề kháng vật nuôi, đàn lợn nhập về không rõ nguồn gốc, chưa được tiêm phòng, khi mua về không thực hiện việc cách ly, theo dõi tình hình dịch bệnh đã cho nhập đàn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lợn nhiễm bệnh chết rải rác. Ngay khi phát hiện ổ dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn 2 hộ cách ly đàn lợn nhiễm bệnh và theo dõi điều trị riêng (đối với những con lợn bệnh nhẹ). Đối với lợn đang bệnh nặng, để tránh lây lan, cơ quan chuyên môn đã đề nghị hộ chăn nuôi tiêu hủy theo đúng quy định theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, vệ sinh chuồng trại phun thuốc tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi sạch sẽ, không di chuyển đàn lợn đến nơi khác hoặc bán chạy, vứt xác lợn chết bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường.

Việc tiêu hủy heo bệnh phải thực hiện theo quy định.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh cho biết: Bệnh DTLCP đã xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, cụ thể là tại xã Nơn Sơn và có khả năng lây lan rộng trong thời gian tới rất cao. Để chủ động phòng, chống DTLCP lây lan rộng, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh giao UBND huyện Ninh Sơn ban hành quyết định công bố dịch bệnh DTLCP trên địa bàn xã Nhơn Sơn; thành lập chốt kiểm soát, trực 24/24 bên ngoài vùng dịch để thực hiện việc đồng bộ các giải pháp chống dịch như: Kiểm tra, giám sát, tiêu độc, khử trùng phương tiện ra vào vùng dịch theo quy định. Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện việc rà soát các tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn kê khai với chính quyền cơ sở trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn lợn, tăng đàn; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi trong vùng dịch ký cam kết không nuôi mới và tái đàn trong thời gian có dịch, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về phòng, chống dịch bệnh và không được hỗ trợ khi buộc phải tiêu hủy. Chỉ đạo UBND cấp xã (nhất là xã Nhơn Sơn và các vùng giáp ranh) tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch và vùng có nguy cơ lây lan liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo; vùng đệm (các xã tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp) với tần suất 1 lần/tuần liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch và thường xuyên theo dõi hố tiêu hủy động vật để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, khi phát hiện đàn lợn có biểu hiện bất thường, chết nhanh, chết nhiều chủ hộ chăn nuôi báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương, hướng dẫn và giám sát việc tiêu độc, khử trùng các hộ chăn nuôi lợn trong vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp; vận động người dân thực hiện “5 không”: Không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, thịt lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn ăn mà chưa qua xử lý nhiệt. Chỉ đạo các lượng lượng chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo rà soát, thống kê tổng đàn lợn; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đợt 2 năm 2024 đảm bảo tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng; xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để tổ chức tiêm vắc xin theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, chủ động cân đối trong ngân sách được giao bố trí kinh phí để thực hiện tổ chức xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh; thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy, cán bộ thú y và lực lượng tham gia nhiệm vụ tiêu hủy, phòng, chống bệnh do địa phương điều động theo đúng quy định hiện hành.