Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận

Bài 2: Gắn kết hài hòa các giá trị truyền thống và hiện đại

Xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh với phương châm “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” được Tỉnh ủy Ninh Thuận xác định là nhiệm vụ quan trọng, tạo nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện tốt công tác này, Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh". Cụ thể hóa các phong trào, cuộc vận động, các địa phương tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; chỉ đạo xây dựng các hương ước, quy ước thôn, khu phố văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư... Các quy định về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở, văn hóa công vụ và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... được chú trọng, đảm bảo đúng quy định, khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, ổn định an ninh trật tự, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Quảng trường 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: V.Nỷ

Điển hình như Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, để phát huy vai trò trung tâm kinh tế, xã hội, chính trị của cả tỉnh; cụ thể hóa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Thành ủy, UBND thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện nhiều phong trào, chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực như: Phát triển hệ thống cây xanh, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, tích cực bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn các công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, công trình kiến trúc... giúp thành phố ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, đồng thời giữ gìn nét văn hóa, giá trị truyền thống. Đồng chí Nguyễn Thành Phú, Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: Thành phố hiện có 115/115 khu phố, thôn đạt chuẩn văn hóa; có 12/15 phường đạt chuẩn phường văn minh đô thị; 1 xã là Thành Hải đạt chuẩn văn hóa NTM nâng cao theo tiêu chí quốc gia; hằng năm có từ 82-85% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng môi trường, văn hóa lành mạnh, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài làm động lực giúp thành phố thực hiện tốt các mục tiêu phát triển, trở thành đô thị loại I, phát triển xanh, bền vững và thân thiện, đáng sống trong tương lai không xa.

Đến nay, toàn tỉnh đã phát động, xây dựng 395/397 thôn, khu phố văn hóa; xây dựng 2/7 huyện đạt chuẩn NTM; 33/47 xã văn hóa NTM, trong đó có 12 xã đạt NTM nâng cao; 12/18 phường, thị trấn đạt văn minh đô thị; 553/571 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn về văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa hằng năm đều tăng, hiện đạt 94,2%.

Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao (TDTT) trong những năm qua được đẩy mạnh. Trên địa bàn tỉnh có 7/7 huyện, thành phố có trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh; 24/65 xã, phường, thị trấn được đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao; 47/397 thôn, khu phố có nhà văn hóa... Công tác xã hội hóa kêu gọi tổ chức, cá nhân hỗ trợ, đầu tư xây dựng, mua sắm thiết chế văn hóa, thành lập các mô hình văn hóa, TDTT được đẩy mạnh góp phần quan trọng phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa của tầng lớp nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 22 sân vận động, 40 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo; 46 sân quần vợt, 2 sân golf, 21 hồ bơi, sân cầu lông, 106 sân bóng chuyền, 13 phòng tập thể hình...

Các em học sinh Trường Tiểu học Lâm Sơn (Ninh Sơn) tham quan Bảo tàng tỉnh.

Hệ thống thư viện từ tỉnh đến các phòng đọc cơ sở được đầu tư xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần phục vụ tốt nhu cầu bạn đọc. Thư viện tỉnh được đầu tư khang trang; 7/7 huyện, thành phố có thư viện, phòng đọc hoạt động; hầu hết các xã, phường, thị trấn có tủ sách, phòng đọc, điểm bưu điện - văn hóa được trang bị hàng ngàn lượt sách, báo phục vụ bạn đọc... Nhiều mô hình phát triển môi trường văn hóa về TDTT, văn hóa đọc... được xây dựng và phát triển rộng khắp như: Tp. Phan Rang - Tháp Chàm lắp đặt thiết bị tập luyện TDTT công cộng miễn phí phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao của người dân; hay như mô hình “Tủ sách cộng đồng” tại các xã Phước Tân, Phước Hòa, Phước Chính, Phước Đại (Bác Ái) phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của cán bộ, bà con vùng dân tộc thiểu số, miền núi...

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật được tổ chức sôi nổi nhân các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của địa phương và đất nước; các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng được tổ chức thường xuyên, thu hút đông nhân dân tham gia. Các giá trị văn hóa tâm linh trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống được phát huy, tổ chức thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại luôn được các cấp, các ngành thực hiện, đạt hiệu quả. Đặc biệt, việc hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại được đẩy mạnh thông qua tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá các sản phẩm văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế, tiếp thu có chọn lọc văn hóa của các dân tộc.

Trên địa bàn tỉnh có 239 di sản văn hóa, di tích lịch sử, thắng cảnh được công nhận và xếp hạng; trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, đó là: Tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai; UNESCO đã công nhận Núi Chúa là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh; Ninh Thuận là một trong 21 tỉnh có nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có 4 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia gồm: Bia Hòa Lai, phù điêu Vua Pô Rome, bia Phước Thiện, tượng thờ Vua Po Klong Garai...

Với các giải pháp tích cực, môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh đã và đang được quan tâm đầu tư; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng... góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phục vụ phát triển và hội nhập, đặc biệt bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để đẩy mạnh xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33, đơn vị tăng cường quản lý, thực hiện sâu rộng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống; đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa; tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân hưởng ứng xây dựng cơ quan, đơn vị, thôn, khu phố... văn hóa; đồng thời tạo mọi điều kiện cho lực lượng văn nghệ sĩ hoạt động, sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật; tham mưu tổ chức giao lưu, trao đổi tiếp thu văn hóa văn minh, hiện đại... Qua đó thúc đẩy xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần và góp phần hình thành nhân cách, lối sống tích cực, văn minh, hiện đại trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân.

-------------------------------------------
Mời xem tiếp kỳ sau
Bài cuối: Tăng cường lãnh đạo, quản lý văn hóa, con người trong tình hình mới