Theo quy chế, các cơ quan, đơn vị, cá nhân phải tuân thủ nguyên tắc và có trách nhiệm bảo đảm ATTT là yêu cầu bắt buộc, thường xuyên, liên tục, có tính xuyên suốt quá trình liên quan đến thông tin và thiết kế, xây dựng, vận hành, nâng cấp, hủy bỏ hệ thống thông tin. Bảo đảm ATTT tuân thủ các nguyên tắc chung quy định tại Điều 4 Luật ATTT mạng và Điều 4 Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bảo đảm ATTT mạng của đơn vị mình; bố trí nhân sự chuyên trách chịu trách nhiệm bảo đảm ATTT mạng; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, từng bộ phận, cá nhân trong đơn vị đối với công tác bảo đảm ATTT mạng. Bên cạnh đó, cán bộ trong các cơ quan, đơn vị trực có trách nhiệm bảo đảm ATTT trong phạm vi xử lý công việc của mình theo quy định của Nhà nước và của UBND tỉnh. Việc xử lý sự cố ATTT mạng phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân, thông tin riêng của tổ chức.
Trung tâm giám sát an toàn, an ninh, thông tin mạng và điều hành đô thị thông minh tỉnh hoạt động tại Sở Thông tin và Truyền. Ảnh: Văn Nỷ
Ngoài ra, quy chế cũng nêu rõ các hành vi nghiêm cấm dựa theo các quy định tại Điều 7 Luật ATTT mạng, Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Nghiêm cấm các hành vi: Tự ý đấu nối thiết bị mạng, thiết bị cấp phát địa chỉ mạng, thiết bị phát sóng như điểm truy cập mạng không dây của cá nhân vào mạng nội bộ; trên cùng một thiết bị thực hiện đồng thời truy cập vào mạng nội bộ và truy cập internet bằng thiết bị kết nối internet của cá nhân (3G/4G, điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay) khi cơ quan, đơn vị chủ quản hệ thống thông tin chưa cho phép; tự ý thay đổi, gỡ bỏ biện pháp ATTT cài đặt trên thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công việc; tự ý thay thế, lắp mới, tráo đổi thành phần của máy tính phục vụ công việc khi cơ quan, đơn vị chủ quản hệ thống thông tin chưa cho phép; tạo ra, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại; bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của cơ quan, cá nhân khác trên môi trường mạng; các hành vi khác có tính chất cố tình làm mất an toàn, bí mật thông tin của cơ quan, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng.
Quy chế cũng quy định cụ thể về quy định bảo đảm ATTT mạng; kiểm tra, đánh giá công tác bảo đảm ATTT mạng; trách nhiệm bảo đảm ATTT mạng...
Quy chế về bảo đảm ATTT mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận gồm 4 chương, 23 điều; có hiệu lực từ ngày 4/10/2024 và thay thế Quyết định số 71/2012/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quy chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
T.D