Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 19/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo triển khai thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội; Quy định tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa và ban hành các văn bản chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện gắn với các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Cụ thể sau khi có Chỉ thị số 51 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ GSPBXH, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan đều nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của MTTQ, các tổ chức CT-XH cùng cấp; đồng thời, có văn bản trả lời hoặc chỉ đạo các ngành chức năng liên quan xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, đặc biệt là đối với các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, đảm bảo khách quan, đúng thời gian quy định, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo huyện Ninh Phước thăm mô hình trồng măng tây xanh ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước). Ảnh: Tiến Mạnh
Đối với MTTQ và tổ chức CT-XH các cấp luôn bám sát hướng dẫn của trung ương, của tỉnh và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp tiến hành GSPBXH, như: Hiệp thương xây dựng kế hoạch GSPBXH hằng năm, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm sát với những nội dung nhân dân quan tâm, bức xúc. Trong công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, tích cực tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên, hội viên và nhân dân, từng bước nâng dần chất lượng, hiệu quả công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tuy nhiên, qua đánh giá của đoàn kiểm tra (theo Quyết định số 2100-QĐ/TU ngày 26/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc tiếp thu, giải quyết ý kiến góp ý của nhân dân đôi lúc còn chậm. Hoạt động phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức CT-XH ở cấp cơ sở thực hiện chưa rõ nét, chủ yếu góp ý trực tiếp các dự thảo văn bản của Đảng, chính quyền, chưa thực hiện hội nghị phản biện theo chuyên đề, theo yêu cầu của đơn vị tham mưu dự thảo văn bản. Vai trò của Ban tư vấn, Tổ tư vấn, cộng tác viên của MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã và các chuyên gia trên các lĩnh vực hoạt động giám sát chưa phát huy hết hiệu quả. Một số nơi việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát của MTTQ, các tổ chức CT-XH còn lúng túng, quá trình triển khai thực hiện còn khó khăn, vướng mắc; nhiều nội dung giám sát còn chung chung, thiếu cụ thể, thiếu tính chuyên sâu. Chưa chủ động phát hiện những vấn đề phát sinh để tổ chức giám sát, phản biện. Chưa mạnh dạn giám sát trách nhiệm, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Chưa tích cực theo dõi, đôn đốc việc sửa chữa, khắc phục kiến nghị sau giám sát và tiếp thu, phản hồi sau phản biện xã hội.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GSPBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, kịp thời phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, từ đó chấn chỉnh, đề ra các giải pháp thực hiện cho thời gian tiếp theo; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí Thư; Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 19/5/2014 và Công văn số 5365-CV/TU ngày 9/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Cùng với đó, cấp ủy các cấp tăng cường chỉ đạo, thực hiện tốt công tác định hướng nội dung hoạt động GSPBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH cùng cấp. Chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp tục phối hợp và tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể, tổ chức thực hiện tốt chức năng GSPBXH đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương; thực hiện nghiêm quy chế tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu; quy chế tiếp thu và trả lời sau GSPBXH đối với ý kiến đóng góp của MTTQ và các tổ chức CT-XH; thông tin công khai những kết quả phản ánh, xử lý, giải quyết vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống, trách nhiệm của người đứng đầu mà dư luận và nhiều người dân quan tâm.
Đối với đảng đoàn MTTQ, đảng đoàn các tổ chức CT-XH ngoài tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí Thư, Chỉ thị số 51, Công văn số 5365-CV/TU ngày 9/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề trọng tâm, trọng điểm, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân để giám sát, góp ý. Phát huy vai trò, trí tuệ của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, các trí thức, các chuyên gia, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện công tác GSPBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời, tăng cường nắm tình hình, tiếp thu ý kiến của đoàn viên, hội viên và nhân dân để đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền cùng cấp quan tâm xử lý, giải quyết; giám sát chặt chẽ việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị, góp ý của các cấp ủy, chính quyền...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo.
Linh Giang