Trong 8 tháng năm 2024 huyện Ninh Phước đã triển khai 161 nhiệm vụ cụ thể, đến nay đã có 142 nhiệm vụ hoàn thành. Về kinh tế, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 8.750 tỷ đồng, đạt 69,94% kế hoạch. Tổng diện tích gieo trồng hơn 16.492ha, đạt 73,4% kế hoạch. Thực hiện mô hình cánh đồng lớn với diện tích hơn 2.346ha, đạt 99,8% chỉ tiêu tỉnh giao. Tổng đàn gia súc hiện có trên 101.190 con, đạt 89,7% so kế hoạch; công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát. Ước thực hiện giải ngân đến hết tháng 8 là 49,589 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch; thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 20,784 tỷ đồng, đạt 47%. Thu ngân sách đến tháng 8 hơn 69 tỷ đồng, đạt 75% dự toán HĐND huyện giao và chỉ tiêu tỉnh giao. Công tác cải cách hành chính tiếp tục duy trì thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử hiện đại”; tiếp tục triển khai mở rộng thực hiện ISO 9001:2015 trên địa bàn huyện. Trong 8 tháng đã tiếp nhận 1.477 hồ sơ (trong đó 1.323 hồ sơ trực tuyến), đã giải quyết 1.423 hồ sơ, đạt 96%.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Ninh Phước. Ảnh: Anh Tuấn
Tại buổi làm việc, UBND huyện Ninh Phước kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn vốn đối ứng sau khi thực hiện điều chỉnh để huyện đảm bảo nguồn thực hiện theo quy định và giải ngân kịp thời các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2024. Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục huyện thực hiện hợp đồng lao động giáo viên giảng dạy trong năm học mới, bởi toàn huyện hiện còn thiếu 22 giáo viên so với biên chế được giao, nhưng chưa được tuyển dụng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của huyện Ninh Phước trong phát triển KT-XH, cải cách hành chính 8 tháng năm 2024. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện cần phát huy lợi thế để phát triển KT-XH một cách bền vững, hiệu quả. Rà soát các chỉ tiêu chưa hoàn thành để phân công nhiệm vụ cụ thể và có giải pháp tăng tốc triển khai thực hiện, với quyết tâm phải hoàn thành trong năm 2024. Bên cạnh đó, huyện cần phát huy xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm đặc thù như tôm giống, nho, cừu, măng tây xanh,... quan tâm phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hình thành các mô hình du lịch nông nghiệp. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng thu ngân sách, nhất là các khoản thu tiền sử dụng đất. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; quan tâm làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Chăm; đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Đối với những kiến nghị của huyện Ninh Phước, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan sớm tham mưu UBND tỉnh hướng giải quyết để thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn huyện thời gian tới.
Dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm mô hình sản xuất măng tây xanh của Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Tuấn Tú.
Hồng Lâm