Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn cố 4210/UBND-VXNV về việc triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Ninh Thuận là tỉnh có hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 239 di sản văn hóa được đưa vào danh mục kiểm kê, đã có 66 di tích được xếp hạng, bao gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia, 51 di tích cấp tỉnh, bao gồm di tích lịch sử cách mạng, đình, đền, miếu, tháp Chăm. 05 Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ninh Thuận là một trong số 21 tỉnh, thành có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Du khách tham quan di tích quốc gia đặc biệt Tháp Poklong Garai (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đã từng bước được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Vừa qua, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 643-CV/BCSĐ ngày 18/7/2024 về việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã xếp hạng; Thực hiện Công văn số 5712-CV/TU ngày 5/8/2024 của Thường trực Tỉnh ủy và Công văn số 792-CV/BCSĐ ngày 8/8/2024 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Công văn số 643-CV/BCSĐ. Để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, các nguyên tắc bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:

Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, khai thác hiệu quả hoạt động của các giá trị di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Nghiêm cấm tự ý bổ sung công năng sử dụng di tích tạo thêm không gian văn phòng, nơi ở và sinh hoạt của gia đình… tác động tới các công trình kiến trúc, làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành của di tích. Thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Phối hợp lồng ghép Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch ở các cấp với việc thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di tích văn hóa các cấp. Đối với các di tích là khu lưu niệm, nhà lưu niệm, các công trình tiêu biểu đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, cần giữ gìn nguyên trạng, không tự ý thay đổi, xây mới, bổ sung công năng hoặc bố trí thành trụ sở làm việc. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cần dựa trên tư liệu lịch sử, khoa học và tuân thủ chặt chẽ quy định hiện hành.

 
Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận với kiến trúc hiện đại là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và trưng bày các hiện vật có giá trị lịch sử. Ảnh: Văn Nỷ  

Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đối với di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch, lộ trình, biện pháp cụ thể và huy động có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, từ xã hội hóa cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, bảo tồn các lễ hội truyền thống của địa phương.

Sở Giáo dục và Đào tạo chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học chương trình giáo dục địa phương tỉnh Ninh Thuận trong các cấp học; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị Tỉnh Đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc và khát vọng của tuổi trẻ; chỉ đạo các cấp bộ đoàn đăng ký thực hiện công trình thanh niên nhằm chăm sóc và tôn tạo các di tích trên địa bàn; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cho đoàn viên, thanh niên về nguồn, tham quan các di tích và ôn lại lịch sử truyền thống.

Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh duy trì chuyên trang, chuyên mục, dành thời lượng nhất định để tuyên truyền, giáo dục về các di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh; tăng cường giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người Ninh Thuận.

UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền nhằm quản lý, bảo tồn giữ nguyên giá trị gốc của di tích. Đồng thời khai thác hiệu quả các giá trị di tích văn hóa trên địa bàn các huyện, thành phố; phối hợp với các Sở, ban ngành trong việc rà soát, quản lý, sử dụng, bảo tồn, phát huy hiệu quả hoạt động của các di sản văn hóa trên địa bàn các huyện, thành phố. Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành trong việc bố trí nguồn kinh phí trong quá trình trùng tu, tu bổ các di tích trên địa bàn các huyện, thành phố đảm bảo với tiêu chuẩn quy định với Luật di sản văn hóa hiện hành.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo công tác xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích, khu lưu niệm, nhà lưu niệm và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; thường xuyên định hướng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.