Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Trước thềm năm học mới 2024-2025, các trường tiểu học (TH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1. Qua đó, giúp các em hình thành các kỹ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt, tạo tâm thế sẵn sàng đến trường và dễ dàng tiếp cận kiến thức các môn học khi bước vào học tập chương trình lớp 1.

Giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Thuận (Ninh Phước) dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 năm học 2024-2025. Ảnh: Phạm Lâm

Từ ngày 19/8/2024, Trường TH Vĩnh Thuận, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) “khởi động” dạy học tăng cường tiếng Việt cho hơn 100 học sinh (HS) lớp 1 năm học 2024-2025. Cô giáo Trịnh Thị Liên, Hiệu trưởng Trường TH Vĩnh Thuận, cho biết: Đến nay, nhà trường tuyển sinh được 103 HS lớp 1; trong đó, có 101 HS là người dân tộc Chăm, học tập ở 3 lớp. Trẻ em là người DTTS thường sử dụng tiếng mẹ đẻ khi ở nhà. Điều này khiến các em hạn chế trong giao tiếp và lĩnh hội kiến thức các môn học khi bước vào học tập chương trình lớp 1. Để nâng cao chất lượng giáo dục, giúp HS có kỹ năng giao tiếp, hợp tác, chia sẻ..., nhà trường chọn những giáo viên là người DTTS, có năng lực, kinh nghiệm, nhiệt huyết để làm công tác chủ nhiệm và dạy học tăng cường tiếng Việt cho HS lớp 1 năm học 2024-2025 trong thời gian 2 tuần. Việc dạy học tăng cường tiếng Việt cho HS trước khi vào lớp 1 được nhà trường duy trì triển khai từ nhiều năm học qua, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm đáng kể tỷ lệ HS lưu ban hằng năm. Đến nay, nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, không có tình trạng HS bỏ học. Trong 4 năm học qua, nhà trường liên tục được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.

Tham gia các tiết học tăng cường tiếng Việt, HS được trang bị các kỹ năng học tập cơ bản; hình thành và phát triển năng lực nghe, nói, đọc, viết; chuẩn bị tâm thế vào lớp 1. Với hệ thống bài học đa dạng, việc dạy học tăng cường tiếng Việt giúp HS biết chào hỏi, tạm biệt, tự giới thiệu, làm quen, xin phép, cảm ơn, xin lỗi, đặt câu hỏi... Các em cũng được làm quen với sách, trang bị cách đọc sách, giữ gìn sách; tập cầm phấn, bút dạ để viết trên bảng con; làm quen với chữ cái, chữ số; cùng đọc những sách truyện tranh khổ lớn để củng cố và phát triển vốn từ, mẫu câu đã học, rèn luyện kỹ năng nghe - nói, đọc tiếng Việt. Cô giáo Thiên Thị Như Quỳnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C, Trường TH Vĩnh Thuận, cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học tăng cường tiếng Việt, giáo viên dựa vào bộ tài liệu “Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp một” theo Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để thiết kế bài giảng phù hợp với đối tượng HS. Trong quá trình lên lớp, giáo viên đa dạng phương pháp, kỹ thuật dạy học; tạo môi trường để HS luyện nói, luyện nghe, hỏi - đáp tiếng Việt; đồng thời, lồng ghép những trò chơi học tập để tạo không khí vui vẻ... giúp HS tự tin và ghi nhớ bài học tốt hơn.

Buổi dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Vĩnh Thuận (Ninh Phước).

Cùng với Trường TH Vĩnh Thuận, hiện nay, các trường TH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đang tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1 để các em tự tin bước vào năm học mới 2024-2025. Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1 được thực hiện theo Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Sở đã có văn bản chỉ đạo các trường tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1 ít nhất 2 tuần. Mục đích là để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tạo hứng thú, chủ động cho trẻ trong học tập; hình thành một số kỹ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt, kỹ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1. Đây là hoạt động quan trọng, được các trường TH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt nhiều năm qua, giúp trẻ em là người DTTS khắc phục trở ngại trong giao tiếp, phát triển năng lực sử dụng tiếng Việt trước khi vào lớp 1, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi nói riêng, chất lượng giáo dục toàn tỉnh nói chung.