Chú trọng hỗ trợ, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Trong 7 tháng năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức theo dõi, quản lý 9 đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, đã nghiệm thu 3 đề tài. Cùng với đó, đơn vị xây dựng và chuyển giao một số mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Tiêu biểu là, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) chủ yếu đầu tư vào các loại cây trồng chủ lực của tỉnh phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp không ngừng được nhân rộng, với diện tích 565ha. Đơn cử, mô hình ứng dụng kỹ thuật “Bao lưới chống ruồi vàng” với diện tích gần 869ha/2.986 hộ tham gia. Doanh thu bình quân trên 1ha của vườn táo ứng dụng bao lưới cao hơn vườn không bao lưới trên 200 triệu đồng, góp phần đảm bảo an toàn chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả kinh tế. Được sự hỗ trợ của ngành chức năng, các địa phương triển khai duy trì và mở rộng được 36 cánh đồng lớn sản xuất bắp giống, hành tím, nha đam, lúa, nho,... với điện tích hơn 5.014ha/10.263 hộ tham gia. Lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trên đàn bò đã góp phần cải tạo chất lượng đàn bò, đến nay tỷ lệ bò lai trên địa bàn tỉnh đạt được 51%; đồng thời, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý chuyên ngành bước đầu mang lại hiệu quả tốt. Có 4 doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ nuôi cấy mô; công nghệ sinh học để quản lý, kiểm soát chất lượng nước, kiểm soát bệnh và sức khỏe con giống, tạo được thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

Vườn táo của nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) áp dụng bao lưới, tưới nước tiết kiệm. Ảnh: Anh Thi

Triển khai ứng dụng kết quả của các nhiệm vụ KH&CN trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, như: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thâm canh cây măng tây xanh theo hướng CNC tại Ninh Thuận”; “Ương nuôi tôm hùm xanh từ giai đoạn giống đến giai đoạn sắp trưởng thành trong bể xi măng bằng thức ăn viên tại Ninh Thuận”... đang được chuyển giao cho các đơn vị, địa phương triển khai để kiểm chứng tính hiệu quả trong thực tiễn sản xuất làm cơ sở để chuyển giao, nhân rộng trong thời gian tới.

Sở KH&CN cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất phục vụ chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững của tỉnh. Cụ thể, hướng dẫn huyện Ninh Phước công nhận 8 mã vùng trồng măng tây xanh, táo, chuối, dưa lưới với diện tích hơn 67ha; duy trì và nhân rộng 15 cánh đồng lớn sản xuất lúa, bắp giống, măng tây xanh với diện tích gần 2.347ha gắn với liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; diện tích sản xuất được chứng nhận VietGAP và chứng nhận hữu cơ gần 220ha. Tại huyện Thuận Nam, có 9 doanh nghiệp, cá nhân tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đang hoạt động có hiệu quả; duy trì và nhân rộng 4 mô hình sản xuất lúa cánh đồng lớn với quy mô hơn 693ha/1.356 hộ; hỗ trợ 2 doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng trên dưa lưới. Ngoài ra, từ chương trình khuyến công quốc gia, đã hỗ trợ máy móc tiên tiến vào sản xuất, chế biến nước mắm, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới và một số sản phẩm công nghiệp, sản phẩm OCOP, với kinh phí 1,55 tỷ đồng. Riêng huyện Thuận Bắc duy trì và mở rộng 5 cánh đồng lớn sản xuất lúa, nha đam với diện tích 309ha; trình diễn mô hình thâm canh giống lúa mới ĐV với quy mô 5ha tại xã Bắc Phong.

Có thể nói, công tác hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông nghiệp gần đây có nhiều đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở kết quả đạt được từ các nhiệm vụ KH&CN có hiệu quả, Sở KH&CN đã tổ chức bàn giao kết quả, sản phẩm nhiệm vụ khoa học đã nghiệm thu cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận, duy trì, nhân rộng trong sản xuất, đồng thời tuyên truyền đẩy mạnh công tác chuyển giao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Cùng với việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, việc xây dựng bảo hộ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của địa phương cũng đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, phát huy hiệu quả, lợi thế của những sản phẩm chủ lực, tiềm năng của từng địa phương trong tỉnh, từ đó thúc đẩy quảng bá, nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng nông sản trên thị trường.