Thuận Bắc thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế miền núi

Nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực miền núi phát triển, thời gian qua, cùng với sự linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, huyện Thuận Bắc còn thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép nguồn lực từ trung ương, tỉnh để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân vùng miền núi.

Điểm nổi bật trong hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi, ngoài các công trình hồ thủy lợi được Nhà nước đầu tư trên địa bàn, cùng với vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện vận động doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đóng góp trên 64 tỷ đồng xây mới 2 trạm bơm, 1 đập dâng thủy lợi, kiên cố hóa hàng chục km kênh mương, xây dựng 4 công trình thủy lợi nhỏ tại xã Phước Kháng, Phước Chiến. Phát huy lợi thế các hồ đập, người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả, những diện tích lúa chủ động nước tưới được duy trì ổn định từ 2-3 vụ/năm; cây bắp lai, đậu xanh, cây ăn quả được phân bổ rộng khắp trên các vùng gò đồi, với diện tích trên 850ha. Cùng với đó, hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật được tổ chức thường xuyên, giúp người dân thực hiện nhiều mô hình trồng trọt thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị đơn vị diện tích.

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp người dân xã Phước Kháng có điều kiện
phát triển chăn nuôi.

Hằng năm, trên cơ sở quyết định phân bổ kế hoạch vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã rà soát và tổ chức hỗ trợ kịp thời, đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con vùng núi. Chị Pô Pôn Thị Ngâm, thôn Đá Mài Dưới, xã Phước Kháng chia sẻ: Gia đình thuộc diện khó khăn, nhờ được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò, cộng với vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi có vốn đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi, trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, nhờ đó đời sống cải thiện hơn trước nhiều. Theo đồng chí Chamaléa Biên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Kháng, với sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, cùng với ý thức nỗ lực vươn lên của mỗi gia đình, nên tỷ lệ hộ nghèo ở xã hằng năm đều giảm.

Từ năm 2019 đến nay, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Thuận Bắc được hỗ trợ 127,4 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí trên, ngoài đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, huyện triển khai thực hiện 61 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chủ yếu hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ phát huy tốt nguồn lực hỗ trợ, sản xuất nông nghiệp có chuyển biến rõ nét, nhiều mô hình hiệu quả được duy trì và nhân rộng; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hằng năm trên 5% và khu vực miền núi giảm 3,67% năm.

Theo Nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 31/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thuận Bắc về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân hằng năm tăng từ 3,5-4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4-5%/năm. Đồng chí Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Để thực hiện đạt mục tiêu trên, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững để nâng cao thu nhập cho người dân.