Đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp

Trong những năm qua, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ tư vấn, định hướng, tuyển sinh, phân luồng học sinh (PLHS) sau THCS để vào học chương trình THPT và Trung cấp nghề gắn với giải quyết việc làm, cung ứng cho thị trường lao động nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao.

Ông Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận cho biết: Những năm qua, với tâm lý của nhiều phụ huynh học sinh mong muốn con em mình nỗ lực học tập để bước vào đời với tấm bằng đại học, sau này tìm kiếm việc làm có thu nhập cao, chứ rất ít phụ huynh định hướng cho con em mình vào các trường giáo dục nghề nghiệp làm công nhân, kỹ sư có trình độ, kỹ năng, tay nghề cao nhưng thu nhập cũng đáng kể. Do đó, đã tạo cuộc thi đua có “bằng cấp”, dẫn đến tình trạng thừa “thầy” thiếu “thợ”, làm mất cân đối cơ cấu lực lượng lao động giữa các địa phương, lãng phí nguồn lực cho gia đình và xã hội. Trước thực trạng đó, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế để chỉ đạo, định hướng, bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS, THPT phải tiếp cận nghề nghiệp. Tiếp đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch 2704/KH-UBND, ngày 22/6/2022 để triển khai thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Học viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận thực hành nghề sửa ô tô.

Trên tinh thần chỉ đạo, định hướng của cấp trên và nhận diện việc PLHS sau THCS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, trong năm học 2020-2023, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận đã tuyển sinh khóa đầu tiên với 50 em học sinh tham gia học miễn phí chương trình Trung cấp nghề. Sau 3 năm phấn đấu học tập, rèn luyện, kết quả 100% học sinh của nhà trường đã đỗ tốt nghiệp, nhận 2 tấm bằng: Trung cấp nghề và THPT, sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Sau này, các em có nhu cầu nâng cao trình độ, liên thông lên cao đẳng, đại học sẽ thuận lợi và rút ngắn thời gian hơn.

Em Vũ Đình Thành, là cựu học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, ở khu phố 7, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) phấn khởi chia sẻ: Nhờ sự động viên, tư vấn, định hướng nghề nghiệp của gia đình và thầy, cô giáo nên em đã khắc phục khó khăn, sắp xếp thời gian hợp lý, nỗ lực học tập thật tốt. Đến nay, em đã đỗ tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia năm 2024 và Trung cấp Điện vào năm 2023. Ngoài ra, nhờ nhà trường tạo điều kiện cho em thực hành nâng cao kỹ năng nghề tại xưởng và tham gia làm thực tế tại Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Điện Bách Khoa nên em khá tự tin với nghề. Hiện giờ em đã sẵn sàng tham gia thị trường lao động để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Em Vũ Đình Thành học Trung cấp Điện tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.

Còn em Phạm Kiều Trúc Giang là cựu học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, ở Thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cũng đã thi đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và nhận tấm bằng Trung cấp nghề Quản trị khách sạn, xúc động tâm sự: Qua 3 năm học, không những em được trải nghiệm, học miễn phí Trung cấp nghề mà còn được nhận 2 kỳ học bổng, với số tiền 5,4 triệu đồng để trang trải sinh hoạt. Em biết ơn thầy, cô giáo đã tận tình truyền đạt kiến thức phổ thông và nghề rất bổ ích. Đặc biệt, em vừa được nhận tin vui, thông báo trúng tuyển, chuẩn bị nhập học chuyên ngành Thú y của Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm tại Ninh Thuận. Em hứa sẽ quyết tâm học đại học thật tốt để không phụ lòng cha mẹ; thầy, cô giáo giảng dạy nhiệt tình. Sau này em sẽ đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào công tác phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm; xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Phan Anh Quốc, chia sẻ thêm: Trong thời gian tới, nhà trường sẽ phát huy những kết quả bước đầu đạt được, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để phụ huynh học sinh tiếp cận thông tin toàn diện về những chính sách đào tạo Trung cấp nghề miễn phí có liên quan đến phân luồng học sinh sau THCS; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp tỉnh Ninh Thuận và các trường học trên địa bàn tỉnh để tổ chức hội nghị tuyển sinh nhằm phổ biến, hướng nghiệp, tư vấn, cung cấp thông tin toàn diện, kịp thời cho phụ huynh học sinh biết, lựa chọn hướng đi phù hợp tình hình thực tế, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình; đồng thời, nhà trường sẽ quyết tâm thực hiện vượt chỉ tiêu tỉnh giao tuyển 860 học sinh để đào tạo các nghề: Điện, ôtô, quản trị khách sạn, may mặc, nuôi trồng thủy sản... Qua đó, hướng tới xây dựng xã hội học tập; góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, cung ứng tốt nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.