Ứng dụng thương mại điện tử thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế số. Bên cạnh sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, các cơ sở, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thay đổi thói quen kinh doanh trên sàn TMĐT để mở rộng kênh bán hàng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Mở rộng thị trường

Việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là một trong những xu thế tất yếu giúp các công ty, DN tăng cường trao đổi thông tin tìm kiếm thị trường, tiếp thị sản phẩm hiệu quả mà không bị giới hạn về không gian, thời gian, giảm chi phí sản xuất và chi phí giao dịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đơn cử như Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, nằm trong Khu công nghiệp Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) hoạt động sản xuất từ năm 2014 nhưng chủ yếu tập trung sản xuất để xuất khẩu và kênh b2b (bán sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng) là chính. Từ năm 2022 đến nay công ty phát triển và mở rộng thêm kênh bán hàng b2c nhằm giúp người tiêu dùng có thể trải nghiệm sản phẩm của công ty.

Siêu thị Co.opmart Thanh Hà triển khai thanh toán điện tử cho khách hàng. Ảnh: Hồng Nguyệt

Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc công ty cho biết: Đưa sản phẩm lên kinh doanh trên các sàn TMĐT chúng tôi có số lượng khách hàng rộng lớn, thương hiệu sản phẩm lan tỏa và sản phẩm đưa đến tay khách hàng trong và ngoài nước. Hiện tại, công ty đã xây dựng được website: www.canhdongviet.cn và các kênh như: Shoppe mall, Tikokshop. Qua nền tảng công nghệ có thể hỗ trợ công ty các dịch vụ như: Giao dịch TMĐT, thanh toán trực tuyến an toàn, truyền thông tiếp thị trực tuyến, chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Từ đó góp phần đáp ứng được sự trải nghiệm mua sắm của khách hàng thúc đẩy doanh thu của DN. Đến nay, sản phẩm của công ty đã tiếp cận được 87.600 khách hàng và chuyển đổi thành công hơn 30%.

Không chỉ Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, một số DN, cơ sở mới gia nhập thị trường như Cơ sở sản xuất nước mắm Quang Minh, thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná (Thuận Nam) chuyên kinh doanh các sản phẩm nước mắm truyền thống, việc tiếp cận thị trường cũng gặp ít nhiều khó khăn do dòng sản phẩm mới lạ và có nhiều sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. TMĐT chính là giải pháp đắc lực giúp DN giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ.

Anh Trịnh Nguyễn Đoàn, quản lý Cơ sở sản xuất nước mắm Quang Minh cho biết: Cơ sở có 3 sản phẩm nước mắm cá cơm truyền thống loại thượng hạng và đặc biệt đã được tỉnh Ninh Thuận công nhận đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Cùng với bán hàng qua kênh truyền thống, cơ sở đẩy mạnh bán các sản phẩm nước mắm trên các sàn TMĐT của tỉnh và bán trên các sàn TMĐT lớn như: Lazada, Shopee; mạng xã hội Facebook, Zalo, cửa hàng OCOP,... Thông qua các kênh TMĐT, sản phẩm nước mắm Quang Minh được quảng bá rộng rãi, tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Nhờ đó, mỗi tháng cơ sở tiêu thụ được từ 6.000-10.000 lít nước mắm cá cơm truyền thống các loại, mang lại nguồn thu ổn định.

Theo các DN, hiện nay người dân và DN đã quen dần và thích nghi nhanh chóng với các hoạt động giao dịch TMĐT thông qua nền tảng số như: Facebook, Zalo, YouTube, Messenger...; nhiều hợp đồng thương mại được thực hiện thông qua nền tảng giao tiếp trực tuyến hội nghị như Zoom, Google meet,... Hoạt động mua hàng của người tiêu dùng trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã có những thay đổi tích cực. Từ việc chỉ quen với giao dịch kinh doanh truyền thống, mặt đối mặt, được cầm, ngắm và có thể được thử sản phẩm, nay người tiêu dùng đã dần tiếp cận và yêu thích hình thức mua sắm trực tuyến. Xu thế TMĐT đang dần trở thành trào lưu, các sản phẩm, hàng hóa không chỉ được giới thiệu, quảng bá trên các sàn TMĐT lớn mà còn cả những trang website của DN, cá nhân, cả nhà cung ứng, khách hàng, đối tác. Bên cạnh đó, TMĐT giúp DN tiết kiệm chi phí vận hành và quảng cáo so với hình thức kinh doanh truyền thống. Không cần phải thuê mặt bằng đắt đỏ, trang trí cửa hàng hay thuê nhân viên bán hàng, DN có thể tiết kiệm một khoản lớn chi phí này. Hơn nữa, sử dụng các công nghệ hiện đại giúp tự động hóa quy trình kinh doanh, từ quản lý hàng tồn kho đến giao hàng và thanh toán, tăng cường hiệu suất và giảm thiểu lỗi trong quá trình kinh doanh.

Còn nhiều thách thức

Để hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT và thúc đẩy phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT trong tỉnh. Đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ 39 DN tham gia các sàn giao dịch TMĐT quốc tế như: Alibaba.com, Sendo, Postmart; xây dựng 14 bộ thương hiệu trực tuyến và 18 website; 18 phần mềm bán lẻ và hỗ trợ 40 DN ứng dụng chữ ký số; hỗ trợ 222 đơn vị ứng dụng, sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch thương mại. Đồng thời, hình thành sàn TMĐT của tỉnh (sanphamninhthuan.vn), có 96 cơ sở, DN tham gia với 368 sản phẩm trên sàn TMĐT của tỉnh. Đây là những bước đầu tiên giúp DN tiếp cận, ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, đưa hàng hóa địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng.

Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hiện nay, cơ bản các công ty, DN trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng TMĐT, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối internet, sử dụng các phần mềm trong sản xuất điều hành, một số DN cũng đã chủ động xây dựng website riêng và thành lập các trang mạng xã hội để thúc đẩy tiếp thị, quảng bá, trao đổi thông tin qua internet, tiếp cận với người tiêu dùng nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, hợp tác xã trong tỉnh còn hạn chế, hầu hết đều là DN nhỏ và vừa, chưa có người chuyên trách về công nghệ thông tin và TMĐT, nhiều DN đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh.

Theo các DN, hiện rào cản lớn nhất đối với TMĐT là niềm tin của người dùng, vì nhiều người tiêu dùng vẫn có tâm lý lên sàn TMĐT mua những sản phẩm giá rẻ, trong khi tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu... được rao bán tràn lan trên các sàn, các trang mạng xã hội, vì thế cần có các giải pháp, chế tài quản lý chặt chẽ hơn. Để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng TMĐT, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc xây dựng sàn giao dịch TMĐT của tỉnh để các công ty, DN, cơ sở... quảng bá, giới thiệu sản phẩm; giao thương, ký kết hợp đồng mua bán, trao đổi hàng hóa trên môi trường điện tử đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trên môi trường điện tử nhằm quản lý chặt chẽ các quy định về hàng hóa, thị trường, thuế... đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.