Đồng chí Phan Thị Ngân Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn là những giải pháp trọng tâm đang được hội phụ nữ các cấp triển khai giúp HVPN có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống. Từ sự “tiếp sức” của các cấp hội, chị em ngày càng tự tin vươn lên, chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất, mở rộng hợp tác, liên kết, triển khai nhiều mô hình mới có hiệu quả.
Chị Tài Thị Mai Hương, thôn Phước Nhơn 3, xã Xuân Hải (Ninh Hải) vươn lên thoát nghèo
nhờ Hội Phụ nữ tạo điều kiện “tiếp vốn” phát triển sản xuất.
Đơn cử như chị Tài Thị Mai Hương, hộ nghèo ở thôn Phước Nhơn 3, xã Xuân Hải (Ninh Hải) cuộc sống trước đây hết sức khó khăn khi chồng mất sớm, một mình chị nuôi 4 người con. Từ khi được Hội LHPN xã tạo điều kiện cho chị tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng phát triển kinh tế, đến nay gia đình chị Hương không chỉ thoát nghèo, mà còn có điều kiện nuôi các con ăn học. Chị Hương chia sẻ: Từ nguồn vốn vay của Hội LHPN xã, tôi mạnh dạn mua bò về nuôi. Không chỉ được hỗ trợ vay vốn, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò nên tự tin tăng đàn, xoay vòng phát triển thêm mô hình chăn nuôi cừu. Đến nay, tôi đã trả gần hết số nợ vay, nuôi 3 con bò và 23 con cừu, tạo nguồn thu ổn định, cải thiện đời sống. Chị Hương là một trong hàng nghìn hội viên được các cấp hội phụ nữ tạo điều kiện “tiếp vốn” phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, các cấp hội còn chủ động khai thác, quản lý hiệu quả các nguồn vốn vay; chú trọng xây dựng mô hình, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; đồng thời rà soát các HVPN nghèo làm chủ hộ để đề ra biện pháp giúp đỡ phù hợp... Đến nay, các cấp hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho 32.789 hội viên vay vốn, với tổng dư nợ trên 1.466 tỷ đồng. Ngoài ra, hội còn tranh thủ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh giúp cho 1.458 hộ vay với số tiền trên 13,8 tỷ đồng; duy trì Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” tạo điều kiện cho 1.256 HVPN được vay với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng. Được tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật con giống... các chị cùng nhau nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế, cuộc sống dần ổn định hơn.
Để hỗ trợ HVPN có việc làm, tăng thêm thu nhập, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền để chị em thay đổi nhận thức, khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động HVPN giúp nhau phát triển kinh tế và duy trì các hình thức tiết kiệm. Phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nữ; tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật và thành lập các tổ hợp tác, tổ phụ nữ phát triển kinh tế tại các địa phương. Qua đó, giúp chị em hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập và từng bước nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội. Mặt khác, các cấp hội phụ nữ tích cực “khơi dậy” tinh thần khởi nghiệp giúp HVPN có ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cập nhật thêm kiến thức, kỹ năng quảng cáo sản phẩm góp phần tăng hiệu quả trong kinh doanh, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong phát triển kinh tế, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh doanh phát huy sức sáng tạo của phụ nữ. Câu chuyện của chị Katơr Thị Giang, xã Phước Bình (Bác Ái) là một minh chứng. Với mong muốn đưa đặc sản chuối hột mồ côi Phước Bình đến với người tiêu dùng, từ đó giúp đồng bào Raglai địa phương tăng thêm thu nhập, chị Giang hợp tác với một số chị em trên địa bàn xã trồng và thu mua chuối hột mồ côi Phước Bình, sau đó bán trực tuyến qua Zalo và Facebook. Tuy nhiên, hành trình đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng gặp không ít khó khăn. Thời gian đầu, dù sản phẩm chất lượng nhưng gần như không lan tỏa được đến với khách hàng. Sau khi tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức và được lựa chọn vào vòng bán kết cấp vùng, sản phẩm của chị Giang đã từng bước khẳng định thương hiệu. Chị Katơr Thị Giang chia sẻ: Được chị em hỗ trợ nhiệt tình đến nay tôi học được nhiều kỹ năng để xây dựng, phát triển thương hiệu; quảng bá, giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, mỗi tuần, qua kênh bán hàng trực tuyến, tôi bán được hơn 700kg chuối hột mồ côi cho khách hàng ở khắp các địa phương trong cả nước.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, Hội LHPN tỉnh xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi cừu sinh sản theo chuỗi giá trị tại xã Phước Chính (Bác Ái) cho 32 hộ dân là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 14 con cừu cái giống và 1 con cừu đực giống để chăn nuôi tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Cùng với đó công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm còn giúp HVPN có điều kiện phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Từ những giải pháp, mô hình thiết thực đã góp phần quan trọng giúp HVPN nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước khẳng định vị trí của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Mỹ Dung