Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2024

Nhằm tiếp tục tạo chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh và xếp hạng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ngày 24/6/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2767/KH-UBND triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nâng cao chỉ số PCI năm 2024.

Mục tiêu của kế hoạch phấn đấu năm 2024 điểm số PCI của tỉnh đạt từ 71,70 điểm trở lên (tăng 2,61 điểm so với năm 2023) và đưa PCI Ninh Thuận vào top 10 trên bảng xếp hạng của cả nước, xếp trong nhóm các tỉnh điều hành kinh tế thuộc nhóm tốt của cả nước. Cụ thể: Đối với chỉ số gia nhập thị trường đạt từ 8,50 điểm trở lên; chỉ số tiếp cận đất đai đạt từ 7,50 điểm trở lên; chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin từ 6,15 điểm trở lên; chỉ số chi phí thời gian đạt từ 8,00 điểm trở lên; chỉ số chi phí không chính thức đạt từ 7,30 điểm trở lên; chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt từ 6,60 điểm trở lên; chỉ số tính năng động của chính quyền địa phương đạt từ 7,50 điểm trở lên; chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đạt từ 6,45 điểm trở lên; chỉ số đào tạo lao động đạt từ 6,50 điểm trở lên; chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt từ 7,90 điểm trở lên.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Ninh Thuận linh hoạt triển khai chương trình kết nối
ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn đạt được những kết quả tích cực. Ảnh: Văn Nỷ

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ đổi mới tư duy, nắm vững nội dung các chỉ số thành phần PCI, chủ động đề ra giải pháp thiết thực để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI gắn với nâng cao chất lượng điều hành phù hợp với tình hình thực tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại đơn vị phụ trách, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của cả tỉnh. Tiếp tục quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ trong giải quyết các vấn đề liên quan đến DN. Người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải nêu cao trách nhiệm, coi cải thiện, nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức nếu phát hiện có thái độ sách nhiễu, tiêu cực. Chú trọng xây dựng các mô hình mới, hiệu quả để tạo sự lan tỏa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kiên quyết vượt khó và đoàn kết cùng thực hiện. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì làm đầu mối thực hiện việc cải thiện điểm số và thứ hạng từng chỉ số thành phần có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với đơn vị chủ trì và cùng chịu trách nhiệm về các chỉ số thành phần thuộc lĩnh vực phụ trách.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt phương châm “Chính quyền đồng hành cùng DN”, tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với DN, chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời. Tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho DN tiếp cận đất đai và các cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, thuế, xây dựng, quy hoạch, lao động, tiếp cận tín dụng,... xem việc tháo gỡ rào cản, khó khăn cho DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; khơi thông các điểm nghẽn với tinh thần “sớm nhất, hiệu quả nhất”. Định kỳ hằng tháng, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, lắng nghe một số DN nhằm giải quyết những khó khăn chưa được giải quyết, vướng mắc kéo dài, cũng như tiếp tục lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của DN và đôn đốc các sở, ngành, địa phương có liên quan để giải quyết.

Công nhân Công ty TNHH thời trang Hoa In vào ca sản xuất. Ảnh: M.Thương

Cùng với đó, giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường lắng nghe, giải quyết quyết liệt hơn nữa các vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn của DN; nội dung gì đã rõ, đồng thuận, thuận lợi cho DN và đảm bảo đúng quy định pháp luật thì giải quyết ngay; những nội dung khó, chưa rõ, còn có ý kiến khác nhau; các sở, ngành, địa phương, tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì, họp giải quyết theo thẩm quyền, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các vướng mắc của DN có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả; chủ động tiếp cận trực tiếp nhà đầu tư để kêu gọi, hỗ trợ và đồng hành với nhà đầu tư từ bước nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện thủ tục cho đến khi triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, phải luôn quan tâm công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các nhà đầu tư có dự án đang triển khai tại tỉnh; nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, kịp thời phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương để hỗ trợ tháo gỡ một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Định kỳ hằng năm, chủ động rà soát đánh giá sâu kết quả công bố các chỉ số nêu trên; trong đó, phân tích kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để khắc phục hạn chế, yếu kém góp phần cải thiện các chỉ số; tích cực đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi theo thẩm quyền và nâng cao sự hài lòng của doanh nhân và DN đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển DN theo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hợp tác xã chuyển đổi số trên địa bản tỉnh. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, DN. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thông qua việc sử dụng hiệu quả Bộ chỉ số phục vụ người dân, DN. Đẩy mạnh hỗ trợ DN chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, công nghệ, tạo nền tảng cho phát triển thương mại điển tử, kinh tế số.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, DN, kiên quyết thay thế những người không đủ năng lực, trình độ và phẩm chất. Tăng cường cơ chế giám sát và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, đòi hỏi các khoản chi phí không chính thức từ DN đặc biệt trong lĩnh vực thanh kiểm tra, giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy phép về điều kiện kinh doanh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác giữa tỉnh Ninh Thuận với VCCI về triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, để DN chủ động đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.