Đoàn kết, năng động, sáng tạo, huy động tốt mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011

Phát biểu của đồng chí Nguyễn Chí Dũng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 2-HĐND tỉnh khóa IX, ngày 10-8-2011

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND và UBMTTQVN tỉnh.

Thưa các vị đại biểu HĐND, thưa các đại biểu tham dự kỳ họp và toàn thể cử tri trong tỉnh.

Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, tích cực, dân chủ, tập trung và trách nhiệm, kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa IX đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và chiều nay chúng ta tiến hành họp phiên bế mạc.

Kính thưa các vị đại biểu!

Tại kỳ họp này, HĐND đã nghe Thường trực HĐND, UBND và một số sở, ngành của tỉnh báo cáo tình hình hoạt động trong 6 tháng đầu năm; nghe Thường trực UBMTTQ tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; kết quả kỳ họp thứ nhất của QH khóa XIII; xem xét, thảo luận, thông qua nhiều nội dung tờ trình, đề án quan trọng thuộc trách nhiệm và quyền hạn của HĐND tỉnh và đã cơ bản hoàn thành có chất lượng chương trình đề ra.

Như quý vị đại biểu đã biết, năm 2011 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng, có tác động sâu sắc đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ đề ra: là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, triển khai cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; mặt khác, trong 6 tháng đầu năm 2011 chúng ta triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội của cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng có nhiều khó khăn như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả lạm phát, lãi suất tăng cao; cùng với thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, các biện pháp cắt giảm đầu tư, thắt chặt tiền tệ đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; nhất là với người nghèo, người có thu nhập thấp; đồng thời phải tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt cuối năm 2010.

Trong bối cảnh đó, chúng ta đã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm một cách đồng bộ, đề ra các giải pháp quyết liệt để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư, chỉ đạo điều hành thực hiện có kết quả nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm như báo cáo của UBND tỉnh đã trình bày, HĐND tỉnh đồng tình và nhấn mạnh một số nội dung sau: Kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định và chuyển biến tích cực, một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như trong lĩnh vực nông- lâm nghiệp, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu.

Sản xuất nông nghiệp thuận lợi do chủ động trong khâu thủy lợi nên vụ đông-xuân đạt cả về diện tích, năng suất và sản lượng, tiêu thụ hàng hóa nông sản khá thuận lợi; công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm triển khai có hiệu quả, chăn nuôi tiếp tục được duy trì và phát triển.

Công nghiệp tiếp tục phát triển, hầu hết các sản phẩm đều tăng so cùng kỳ. Các hoạt động thương mại được mở rộng đảm bảo cung ứng hàng hóa ổn định gắn với thực hiện khá tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; các dịch vụ vận tải, bưu chính-viễn thông, tài chính-tín dụng tiếp tục phát triển; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với các sự kiện chính trị của tỉnh và đất nước được đẩy mạnh. Các chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách đều tăng cao so cùng kỳ.

Đầu tư phát triển có nhiều chuyển biến tích cực: Đã tập trung làm tốt công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng thực hiện các dự án; ưu tiên đẩy mạnh tiến độ các công trình trọng điểm chuyển tiếp và khởi công mới (dự án cầu An Đông); triển khai tốt các dự án thành phần khu tái định cư phục vụ dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận số 1. Đồng thời triển khai nghiêm túc Nghị quyết 11/CP về rà soát cắt giảm đầu tư công, tập trung bố trí vốn cho các công trình hoàn thành và chuyển tiếp năm 2011, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đạt 44% kế hoạch và tăng 35% so cùng kỳ.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có bước chuyển biến tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội được chú trọng triển khai nghiêm túc, kịp thời như: hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, gia đình có công, hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, triển khai các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được triển khai. Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên, đảm bảo an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 91,8%; khoa học công nghệ được chú trọng, nhất là trong triển khai ứng dụng các đề tài nghiên cứu, các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch, khám chữa bệnh cho nhân dân được chú trọng và tăng cường.

Công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm mừng Đảng-mừng Xuân, đón tết cổ truyền; các hoạt động kỷ niệm 36 năm giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được triển khai chu đáo, thiết thực, đảm bảo an toàn, tiết kiệm; tuyên truyền bầu cử được tổ chức khá bài bản và hiệu quả, tạo không khí phấn khởi, dân chủ trong nhân dân góp phần vào thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

- Công tác cải cách hành chính nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có chuyển biến tiến bộ; thanh tra, phòng, chống tham nhũng, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục triển khai đạt kết quả. Công tác quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, những vấn đề nảy sinh liên quan đến trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương được quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm; đảm bảo tuyệt đối an toàn cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Ninh Thuận.

Mặt trận và các đoàn thể đã có nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp tình hình thực tế và đã góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thành công các sự kiện chính trị trên địa bàn; tham gia giải quyết các vấn đề đặt ra tại địa phương và cơ sở, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo, tranh chấp đất đai, khiếu kiện… Tổ chức tốt các phong trào thi đua hướng về cơ sở; tập hợp, vận động hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ đề ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nổi lên một số hạn chế đó là:

Lĩnh vực kinh tế tuy có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ, song do tác động về giá cả, lạm phát và chính sách cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tiền tệ nên đã hạn chế tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và thấp hơn so cùng kỳ 9,3/12,1%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhìn chung còn chậm.

Về nông nghiệp: diện tích cây nho, thuốc lá giảm mạnh do ảnh hưởng của trận lũ cuối năm 2010; sản xuất muối gặp khó khăn do giá tiêu thụ thấp, lượng muối tồn kho lớn; tình hình dịch bệnh ở vùng nuôi tôm chưa được khống chế có hiệu quả, đã gây thiệt hại cho nông dân (mất trắng trên 250 ha); khai thác thủy sản còn nhiều khó khăn do giá xăng dầu cao, phương tiện lạc hậu, hiệu quả thấp.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn nhiều so với kế hoạch (17,6%/29%). Các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, giao thông chậm tiến độ, kéo dài (2 khu công nghiệp, đường đôi phía Bắc thành phố, tuyến tránh quốc lộ 1A, QL 27B, một số dự án du lịch, sản xuất bia…).

Công tác giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia còn nhiều hạn chế, tỷ lệ học sinh THCS bỏ học còn cao, chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế; đào tạo nghề đạt thấp so kế hoạch; một số dịch bệnh có chiều hướng gia tăng; tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

An ninh trật tự phạm pháp hình sự còn diễn biến phức tạp; đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính ở một số địa phương chưa giảm. Tai nạn giao thông chưa được kiềm chế, tăng trên cả 3 tiêu chí, trong đó có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Công tác tập hợp, vận động quần chúng nhân dân và các tổ chức còn thấp; xây dựng lực lượng cốt cán còn mỏng và yếu, tình trạng truyền đạo trái phép vẫn còn xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; công tác dân vận của hệ thống chính trị, trong đó có công tác dân vận chính quyền còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân: Ngoài tác động của nguyên nhân khách quan, yếu tố chủ quan là: hoạt động quản lý, điều hành của của cơ quan hành chính chưa thực sự linh hoạt, sự phối hợp của một số ngành, một số địa phương chưa đồng bộ; tính chủ động trong công tác tham mưu của các cơ quan chuyên môn chưa cao, nhất là trong đề xuất các giải pháp xử lý một số vụ việc phát sinh, vướng mắc; năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu. Tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế.

Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2011:

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2011, nhiệm vụ có tính bao trùm và xuyên suốt trong những tháng cuối năm là cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và các giải pháp theo chỉ đạo của Tỉnh ủy nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển, thu hút đầu tư mới, hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất và dịch vụ để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết năm 2011 đã đề ra, trong đó cần lưu ý tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:

1/ Triển khai quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và các nội dung khác đã được đại biểu HĐND tỉnh vừa thông qua tại kỳ họp, gắn với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc thực hiện của các cấp, các ngành và các địa phương; trong đó lưu ý:

- Làm tốt công tác dự báo tình hình thời tiết, có kế hoạch chỉ đạo các địa phương triển khai sản xuất vụ hè-thu có hiệu quả; tăng cường chỉ đạo công tác quản lý đất đai, đô thị, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ rừng; phòng, chống và ngăn chặn có hiệu quả các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Làm tốt công tác thông tin ngư trường hỗ trợ ngư dân trong đánh bắt thủy sản và phát triển nuôi trồng.

- Có kế hoạch triển khai công tác phòng, chống bão lũ nhằm giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và của nhân dân, chú trọng công tác đảm bảo an toàn các đập, hồ chứa nước hiện có và các công trình thủy lợi, giao thông… đang thi công trên địa bàn tỉnh.

- Tập trung chỉ đạo triển khai tốt các giải pháp thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai các loại quy hoạch; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải tỏa, đền bù, các thủ tục hành chính trong chuẩn bị đầu tư; làm tốt công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như: đầu tư nâng cấp, xây mới tuyến đường ven biển, các công trình thủy lợi, giao thông và văn hóa-xã hội. Đảm bảo tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Tập trung rà soát các dự án đã cấp phép đầu tư, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư tổ chức triển khai dự án; kiểm tra, thu hồi giấy phép đối với các nhà đầu tư không có năng lực tài chính, chậm triển khai dự án theo đúng quy định luật pháp.

- Triển khai tích cực và đồng bộ các giải pháp thu ngân sách, phấn đấu thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra.

+ Chỉ đạo các ngành, các địa phương chuẩn bị tốt điều kiện vật chất phục vụ khai giảng năm học mới 2011-2012; làm tốt công tác tuyển sinh ở các cấp học gắn với đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục- đào tạo, nhất là giáo dục bậc mầm non; tiếp tục đầu tư tăng năng lực cho đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; phòng, chống các tệ nạn xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, mục tiêu đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; lồng ghép chương trình xóa đói giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia khác để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đối với huyện Bác Ái theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

+ Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và an ninh những tháng cuối năm, chuẩn bị và tổ chức tốt công tác diễn tập phòng thủ khu vực cấp tỉnh năm 2011 đảm bảo an toàn, đúng kế hoạch; tăng cường lãnh đạo đối với lực lượng dân quân tự vệ; công tác tuyển quân, huấn luyện…

- Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hạn chế tai nạn giao thông. Tăng cường công tác pháp chế, công tác hòa giải ở cơ sở, công tác nắm tình hình an ninh, trật tự, tình hình truyền đạo trái phép, xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp kéo dài.

+ Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 gắn triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012; hoàn thành quy hoạch dải ven biển, quy hoạch ngành và các địa phương làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.

+ Đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền.

Nhiệm vụ đặt ra trong những tháng cuối của năm 2011 còn rất lớn và nặng nề, đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2011.

2/ Nhân kỳ họp này, tôi xin phát biểu với các vị đại biểu và các đồng chí một số vấn đề sau đây:

+ HĐND tỉnh khóa IX bước vào nhiệm kỳ hoạt động của mình với nhiều thuận lợi, đó là: Luật Tổ chức HĐND và UBND đã xác định rõ vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND; quy định phân cấp mạnh hơn, nhiều hơn cho các địa phương, tạo quyền chủ động, tự chủ để các địa phương phát triển; mở rộng về tổ chức và nhân sự của HĐND; có quy định cụ thể về quyền giám sát của đại biểu, của Thường trực và các Ban HĐND, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.

Kết thúc nhiệm kỳ, HĐND tỉnh khóa VIII tổng kết nhiệm kỳ và đánh giá một cách nghiêm túc những việc đã làm và chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân và rút ra được những bài học kinh nghiệm. Tôi cho rằng đây là thuận lợi rất lớn và rất cơ bản để HĐND, các ban chuyên môn của HĐND và các vị đại biểu kể cả tái cử và mới trúng cử có thêm kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, theo tôi để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cần tập trung làm tốt 3 khâu cơ bản sau:

Thứ nhất, là phải nâng cao chất lượng kỳ họp: Trong những năm qua, HĐND tỉnh đã tổ chức các kỳ họp HĐND đúng luật, chất lượng các kỳ họp từng bước được nâng lên. Từ khâu xây dựng nội dung chương trình kỳ họp; thẩm tra tờ trình, đề án, dự án; thảo luận đóng góp tại tổ và tại hội trường; chất vấn và trả lời chất vấn; phổ biến, tuyên truyền hoạt động của HĐND trước, trong và sau kỳ họp. Thực tế cho thấy, muốn chuẩn bị tốt nội dung, chương trình kỳ họp thì vấn đề quan trọng là phải chuẩn bị tốt các báo cáo thẩm tra và dự thảo Nghị quyết chung của kỳ họp, phải nâng cao chất lượng hoạt động của các ban, của đại biểu HĐND…

Thứ hai, là phải nâng cao chất lượng hoạt động giám sát: Nhiệm kỳ qua, Thường trực HĐND và các Ban HĐND đã tổ chức các đoàn giám sát hoạt động của các ngành, các địa phương theo từng trọng tâm công việc. Ngoài ra, các Ban HĐND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ và tham gia tích cực các cuộc giám sát của Quốc hội tại địa phương. Thực tế cho thấy, nếu các Ban HĐND làm tốt công tác giám sát, sẽ tạo điều kiện làm tốt báo cáo thẩm tra của ban, phục vụ tốt cho các kỳ họp. Do có nhiều cố gắng đổi mới, song nhìn chung chất lượng hoạt động giám sát chưa cao, chưa có hiệu lực, hiệu quả, đa phần chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát, nắm tình hình, thu thập thông tin là chủ yếu, chứ chưa làm đúng trách nhiệm giám sát mà luật đã quy định. Mặt khác, hoạt động giám sát còn nhiều ràng buộc về mặt pháp lý, nhất là việc giải quyết xử lý sau khi giám sát chưa được quy định rõ. Vì vậy, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát là một yêu cầu bức xúc mà HĐND các cấp cần tập trung giải quyết.

Thứ ba, là phải đổi mới việc tiếp xúc cử tri: Trước mỗi kỳ họp, HĐND tỉnh phối hợp với UBMTTQ tổ chức tiếp xúc cử tri. Ý kiến đóng góp của cử tri được tổng hợp đầy đủ. UBND tỉnh có báo cáo giải trình từng vấn đề cụ thể mà cử tri đề nghị. Báo cáo giải trình, cũng như việc chất vấn và trả lời chất vấn được tường thuật trực tiếp trên Đài Phát thanh-Truyền hình của tỉnh. Kết quả trả lời được làm thành văn bản gửi đến từng địa phương, các đại biểu để báo cáo với cử tri. Với cách làm này, công tác tiếp xúc cử tri và trả lời kiến nghị của cử tri mang lại kết quả khá cao, được đông đảo cử tri đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên có một thực tế là trong các buổi tiếp xúc cử tri chưa có sự chuẩn bị chu đáo về nội dung và hình thức tiếp xúc; phần lớn là cử tri “chuyên nghiệp” nên những ý kiến đóng góp chưa phản ánh đầy đủ nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, còn trùng lặp. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, cần phải đổi mới về nội dung, hình thức công tác tiếp xúc cử tri, coi việc tiếp xúc cử tri là kênh thông tin quan trọng và không thể thiếu của người đại biểu nhân dân trước và sau mỗi kỳ họp HĐND.

+ Cần phát huy tốt vai trò người đại biểu, đại diện của nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước địa phương. Cử tri tỉnh nhà trong cuộc bầu cử vừa đi qua đã phát huy dân chủ, trách nhiệm của công dân rất tốt, 99,81% cử tri đã đi bỏ phiếu, lựa chọn trong số 74 ứng cử viên để bầu đủ 50 đại biểu đại diện của mình. Các vị đại biểu HĐND nhiệm kỳ này rất xứng đáng để nhân dân tỉnh nhà gửi gắm niềm tin. Tôi đề nghị các vị đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp trí tuệ của mình vào các quyết sách quan trọng của tỉnh nhà, nghiêm túc thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, nhất là những điều đã hứa trước cử tri khi vận động tranh cử, trong đó cần lưu ý mấy việc sau đây:

- Phải luôn sâu sát, gắn bó với nhân dân, với cử tri nơi ứng cử không chỉ ở các buổi tiếp xúc cử tri mà còn gần gũi, gắn bó với nhân dân ở giữa hai kỳ họp.

- Phải là người báo cáo viên xuất sắc với cử tri về đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh để dân biết và giải thích để dân hiểu mà thực hiện, phải có bản lĩnh, tinh thần thẳng thắn, trung thực và dũng cảm, dám đeo bám để giải quyết những vấn đề bức xúc của dân và coi như chính bức xúc của mình.

- Phải dành thời gian thích đáng cho hoạt động HĐND, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết của HĐND.

- Bên cạnh những khó khăn về thời tiết, khí hậu, xuất phát điểm thấp của nền kinh tế thì thiên nhiên cũng đã ưu đãi cho tỉnh ta một số tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế một cách bền vững. Từ sau ngày tái lập đến nay, Trung ương và địa phương cũng đã đầu tư tạo ra sự phát triển khá nhanh của tỉnh. Tuy nhiên nếu đánh giá kinh tế tỉnh nhà qua tăng trưởng GDP thì đã có chuyển biến khá tốt, nhưng nếu đi sâu vào đời sống của dân ở mỗi địa bàn dân cư thì nhiều nơi còn rất khó khăn. Vì vậy vấn đề đặt ra cho HĐND khóa mới là ta phải nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách tạo ra sự phối hợp thật tốt và đồng bộ để thu hút đầu tư, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Huy động tốt mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22-7-2011 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo giải quyết việc làm cho dân, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển cũng là những vấn đề bức xúc hiện nay, nếu không làm được các vấn đề này một cách vững chắc thì không xóa được đói nghèo, không thể đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững được.

Để thực hiện tốt các yêu cầu như vậy đòi hỏi mỗi đại biểu HĐND, mỗi cán bộ, đảng viên và nhất là những người đứng đầu phải gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với phát triển kinh tế địa phương và nhân dân, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ khóa IX này. Phải có sự tận tâm, tận lực, nói đi đôi với làm và chỉ có như vậy thì đại biểu chúng ta mới thực sự là người đại biểu của dân và đại diện cho nhân dân.

+ Cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ giữa HĐND với UBND và Ủy ban MTTQ cùng các tổ chức đoàn thể.

HĐND khóa VIII đã cùng với UBND, UBMTTQ xây dựng quy chế phối hợp thực hiện tương đối tốt. Ở nhiệm kỳ khóa IX này, tôi đề nghị cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ này trên cơ sở Luật Tổ chức HĐND và UBND mới và Luật Mặt trận bằng việc rà soát, bổ sung Quy chế phối hợp sao cho phù hợp.

Nên định kỳ tổ chức họp để rút kinh nghiệm về sự phối hợp thì hoạt động của mỗi bên sẽ tốt hơn, quan hệ sẽ càng chặt chẽ, gắn bó và hiệu quả hơn. Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đều có mối quan hệ khá chặt chẽ với Thường trực HĐND và các Ban HĐND cấp huyện. Thông qua hình thức giao ban định kỳ hàng quý, HĐND tỉnh và các huyện, thành phố đều có thể thông báo hoạt động của mình để tham khảo, hướng dẫn công việc, giúp nhau tháo gỡ khó khăn. Đây là việc làm tốt cần được duy trì và phát huy.

+ Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng: Tỉnh ủy lãnh đạo HĐND bằng nhiều phương thức, nhưng thông qua vai trò Đảng đoàn HĐND là một phương thức quan trọng vì Đảng đoàn vừa làm nhiệm vụ tham mưu vừa là cầu nối giữa Tỉnh ủy với cơ quan đại diện của dân, như vậy sự lãnh đạo của Tỉnh ủy mới hiệu quả. Vì vậy, sau kỳ họp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có quyết định thành lập Đảng đoàn HĐND và Ban cán sự Đảng UBND khóa IX để giúp Tỉnh ủy theo dõi, lãnh đạo một cách toàn diện các mặt công tác.

Nhiệm kỳ khóa VIII, Đảng đoàn HĐND đã làm khá tốt nhiệm vụ, nhiệm kỳ khóa IX này chúng ta càng phải làm tốt hơn nữa sao cho ý Đảng phải hợp với lòng dân và ngược lại.

+ Củng cố, kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức giúp việc của HĐND để giúp Thường trực HĐND, các Ban và các đại biểu HĐND thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; cần tính toán để bố trí số cán bộ chuyên viên hợp lý, có năng lực, tâm huyết với công việc. Vai trò tham mưu là nhân tố rất quan trọng, vì vậy cần đặc biệt quan tâm đến phẩm chất trung thực và năng lực của đội ngũ chuyên viên giúp việc cũng như vai trò, trách nhiệm của các thành viên lãnh đạo các ban của HĐND.

Thực tế cho thấy, cán bộ tham mưu giúp việc nếu yếu về năng lực, không vô tư, trung thực thì sẽ dẫn đến việc cơ quan lãnh đạo khó khăn trong việc quyết định các vấn đề quan trọng, vì vậy đề nghị Thường trực HĐND tỉnh khóa IX cần sớm tính toán để xây dựng bộ máy giúp việc thật sự có hiệu quả.

Nếu như đã xác định được vai trò, vị trí của mình và luôn xác định rõ trách nhiệm với dân, với Đảng thì công việc giữa hai kỳ họp là rất nhiều, rất quan trọng đòi hỏi mỗi đại biểu phải nỗ lực, phấn đấu không ngừng, đã làm thì phải làm cho tốt, làm đến nơi, đến chốn, không nửa vời gây mất lòng tin của cử tri và các vị đại biểu.

Thưa các vị đại biểu!

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cá nhân tôi hoàn toàn tin tưởng HĐND khóa IX sẽ kế thừa một cách có hiệu quả những kinh nghiệm hoạt động và kết quả đạt được của các khóa trước; khắc phục triệt để những hạn chế, thiếu sót; đoàn kết, năng động, sáng tạo trong quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh nhằm huy động tốt mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, tạo tiền đề để hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng kỳ vọng và đòi hỏi chính đáng của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

Với tinh thần đó, thay mặt chủ tọa kỳ họp, tôi tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa IX.

Kính chúc sức khỏe các vị đại biểu và các đồng chí.

Xin trân trọng cảm ơn.