Độ nghiêng của trái đất hiện nay là 23,44 độ. Lực hút của mặt trăng giúp trái đất ổn định độ nghiêng của nó trong quá trình xoay quanh mặt trời, theo nhận định của giới khoa học. Nhờ mặt trăng mà cứ sau 100 nghìn năm độ nghiêng trục xoay của địa cầu chỉ thay đổi từ 0,5 tới 1 độ.
Mô hình cho thấy nếu mặt trăng không tồn tại, độ nghiêng của trái đất sẽ thay đổi lớn. Nhưng lực hút từ sao Mộc và các yếu tố khác sẽ khống chế mức thay đổi ở ngưỡng khoảng 10 độ theo mọi hướng.
(Ảnh minh họa: Flickr.com).
Một số nghiên cứu trước đây chứng minh nếu không có lực hấp dẫn của mặt trăng, cứ sau 100 nghìn năm trục quay của trái đất sẽ dịch chuyển một góc 85 độ. Do sự thay đổi lớn như vậy, hai cực địa cầu lần lượt rơi vào tình trạng quá nóng và quá lạnh theo chu kỳ 100 nghìn năm.
Trong khi đó, giới khoa học khẳng định các dạng sống phức tạp trên trái đất chỉ phát triển nếu khí hậu ổn định trong 500 nghìn năm. Vì thế, nhiều học giả tin rằng, nếu mặt trăng không tồn tại, trục nghiêng của địa cầu sẽ thay đổi, gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu dữ dội khiến mọi dạng sống bị hủy diệt. Hậu quả của nó là địa cầu trở thành hành tinh không có sự sống.
Tuy nhiên, Jason Barnes, một chuyên gia về hành tinh của Đại học Idaho tại Mỹ, tin rằng nếu mặt trăng biến mất, sự sống trên trái đất vẫn phát triển.
Discovery cho hay, Barnes cùng các đồng nghiệp lập mô hình máy tính để tìm hiểu tình trạng của trái đất khi không có mặt trăng. Mô hình cho thấy nếu mặt trăng không tồn tại, độ nghiêng của trái đất sẽ thay đổi lớn. Nhưng lực hút từ sao Mộc và các yếu tố khác sẽ khống chế mức thay đổi ở ngưỡng khoảng 10 độ theo mọi hướng.
“Mức thay đổi trên hoặc dưới 10 độ đều có thể gây nên tác động lớn, nhưng tôi nghĩ mức thay đổi ấy khó có thể ngăn chặn sự phát triển của sự sống”, Barnes nói. Mô hình của Barnes cũng chỉ ra rằng, nếu trái đất xoay quanh mặt trời theo hướng ngược lại, nó sẽ không cần tới mặt trăng để duy trì sự ổn định của khí hậu.
Nghiên cứu của nhóm Barnes thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học.
"Phát hiện của Barnes khá thú vị và kích thích sự tò mò", Richard Vondrak, một nhà khoa học của NASA, bình luận.
Nguồn khoahoc.com.vn