Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước

Nhân Ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, sáng 31/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, tặng quà các cháu thiếu nhi tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội.

Thăm thực tế cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở, nội trú của các cháu tại Trung tâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, mặc dù cơ sở vật chất còn không ít khó khăn, hạn chế, Trung tâm bố trí phòng ở phù hợp, chăm sóc chu đáo các cháu theo giới tính và dạng tật. Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên tổ chức cho các cháu tham gia hoạt động vui chơi, các môn thể thao như: kéo co, cầu lông, bóng đá, bóng rổ… để rèn luyện sức khỏe.

Chứng kiến cử chỉ, ý thức, hành vi đạo đức, nhân văn của các cháu tại Trung tâm, Thủ tướng cho rằng, đây là những tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện văn hóa, truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta, giúp trẻ em không được may mắn có cơ hội khẳng định mình và có những đóng góp nhất định cho xã hội; là minh chứng rõ nét, sống động cho lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền; Đào núi và lấp biển; Quyết chí ắt làm nên”.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Thủ tướng, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh; tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; không phân biệt đối xử và bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan; coi đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài.

Phân tích nhiệm vụ công tác trẻ em nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật nói riêng; nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động thiết thực hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, giáo dục trẻ em nói riêng. Trong đó, tập trung giải quyết có hiệu quả tình trạng thiếu cơ sở giáo dục, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; thừa, thiếu giáo viên cục bộ; hiện tượng giáo viên có những hành vi không đúng mực đối với trẻ em; tình trạng sách giáo khoa, trường tạm, điểm trường còn xa, điều kiện sinh hoạt, dạy và học của thầy và trò còn khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; vấn đề bảo đảm nhà vệ sinh, nước sạch, chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm tại bếp ăn của các trường học; những hiểm họa như ma túy học đường, đuối nước, trò chơi bạo lực, tai nạn thương tích; tình trạng thiếu nơi vui chơi giải trí an toàn, bổ ích, nhất là trong dịp hè để trẻ em tránh xa thiết bị điện tử, từ đó ngăn chặn những thông tin xấu độc, không lành mạnh trên môi trường mạng, văn hóa ngoại lai…

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các chủ trương, chính sách về người khuyết tật, trong đó có học sinh khuyết tật. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung hoàn thành Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; cải thiện cơ sở vật chất, chế độ, chính sách đặc thù, phù hợp đối với đội ngũ thầy cô giáo các trường chuyên biệt.

Chính quyền địa phương các cấp cần đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đặc thù như chữ nổi, thiết bị hỗ trợ khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ… cho học sinh; tiếp tục quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Nhắc lại 4 câu thơ của Bác Hồ kính yêu gửi gắm các cháu nhi đồng: “Bác mong các cháu chăm ngoan; Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng; Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng; Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ mong các cháu không ngừng cố gắng, kiên trì, quyết tâm, nghị lực; luôn nuôi dưỡng, ấp ủ những ước mơ, hoài bão, khao khát cháy bỏng để vượt qua nghịch cảnh, có được kiến thức và tay nghề giỏi, trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội; luôn lạc quan, tự tin, không mặc cảm vì sự khiếm khuyết mà phải phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập, rèn luyện, nâng cao trí lực và thể lực; đồng thời, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các bạn có hoàn cảnh tương tự, cùng tích cực tham gia dựng xây tương lai đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Theo TTXVN