Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Cần xử lý mạnh tay các dịch vụ lưu trú vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

Sáng sớm ngày 24/5, đã xảy ra vụ cháy nhà dân tại số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Theo thông tin ban đầu, vụ cháy đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 14 người chết và nhiều người bị thương.

Chia sẻ vấn đề này bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân, đồng thời khẳng định cần phải có những giải pháp ngăn chặn hỏa hoạn hiệu quả hơn, nhất là việc xử lý những công trình chưa đủ tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Cấm thuê trọ kết hợp kinh doanh

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, đây là vụ cháy rất thương tâm, đồng thời khẳng định, một trong những nguyên nhân là do không đảm bảo an toàn PCCC. Theo đại biểu, nhiều năm nay liên tục xảy ra nhiều vụ cháy ở Thủ đô liên quan đến nhà trọ mini, khách sạn, chung cư mini... nhưng TP. Hà Nội vẫn chưa có giải pháp khắc phục hoàn toàn.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị PCCC cũng rất lớn, đặc biệt trong công tác kiểm tra, đánh giá PCCC, đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ.

“Nếu thường xuyên kiểm tra, đánh giá thì sẽ biết được để có cảnh báo, thậm chí tước giấy phép hành nghề, không cho hoạt động”, đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định và cho rằng, nếu có sự cương quyết như thế thì tất cả các nhà trọ, khách sạn, chung cư mini... ở Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và khắp cả nước sẽ không dám lơ là công tác công tác PCCC.

Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, nguy cơ cháy với nhà ở, nhất là đối với nhà dân, nhà trọ cho thuê, có thể xảy ra bất cứ khi nào, nếu không cẩn trọng, hậu quả rất thương tâm.

Sau vụ cháy xảy ra ở quận Thanh Xuân, cơ quan chức năng TP. Hà Nội cùng các lực lượng chức năng đã rà soát và có cảnh báo cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang chấp nhận một thực trạng rủi ro đó hằng ngày và hằng giờ. Đại biểu Trịnh Xuân An phân tích, cơ sở hạ tầng ở các khu vực như Trung Kính, Thanh Xuân... là nhà trong ngõ, trong hẻm. Điều này cũng phần nào gây khó khăn cho công tác chữa cháy nếu không may xảy ra cháy.

Đại biểu đề nghị phải có các giải pháp đồng bộ cả về ngắn hạn, dài hạn, kỹ thuật và mang tính bắt buộc, thì mới có thể ngăn chặn nguy cơ các vụ việc tương tự. Chính quyền địa phương cần có biện pháp mạnh tay hơn, nếu rà soát trên địa bàn thấy những công trình tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tính mạng người dân thì phải dứt khoát xử lý. Trường hợp nhà không có lối thoát phải cưỡng chế, yêu cầu bỏ ngay vật cản hoặc thiết kế thêm lối thoát; đồng thời trang bị cho những công trình trên bình cứu hỏa, bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm...

Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận về Luật PCCC (sửa đổi), đại biểu đề xuất, nếu cần thiết có thể thiết kế một mục riêng về PCCC đối với loại hình nhà ở. Các nội dung dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch hạ tầng đô thị, thẩm quyền của chính quyền địa phương, cũng như nghĩa vụ của công dân...

Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm công tác PCCC

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh, chúng ta đã đề ra rất nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất các vụ cháy xảy ra, đặc biệt là đối với khu vực nhà dân. Tuy nhiên, theo đại biểu, có một giải pháp nữa chúng ta cần quan tâm, liên quan đến một loạt các luật của Quốc hội vừa mới thông qua tại Kỳ họp thứ 6, chính là trong phát triển nhà ở xã hội, hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích, theo kết quả giám sát và khảo sát hiện nay, dù đã được hưởng rất nhiều ưu đãi nhưng phân khúc nhà ở xã hội giá thành vẫn khá cao so với thu nhập của những người lao động có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở các đô thị lớn. "Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc này để cho người lao động có thu nhập thấp có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn với nhà ở xã hội. Khi nhà ở xã hội được hình thành, chắc chắn đã đáp ứng được các tiêu chí, kể cả về diện tích, kết cấu và những điều kiện PCCC, thì mới đảm bảo an toàn. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những giải pháp chúng ta cần phải tập trung quan tâm trong thời gian tới", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.

Đánh giá về công tác tập huấn PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho là rất cần thiết nhưng hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. "Tôi có cảm giác chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, khi ấy mới tập trung, nhưng sau đó lại bị trôi đi. Việc tập huấn hằng năm rất quan trọng", đại biểu tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.

Theo TTXVN