1. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW phải đồng thời với việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/3/2003 của Ban Bí thư Trung ương khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Chương trình tổng thể cải cách hành chính và những văn bản có liên quan khác về việc xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân:
Thực tế những kết quả đạt được sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW đã cho thấy việc kết hợp đồng bộ, thống nhất nội dung cải cách Tư pháp với Chiến lược xây dựng, hoàn thiện pháp luật; triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính; tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật và những văn bản có liên quan khác về xây dựng nhà nước pháp quyền là một thể thống nhất, tác động hữu cơ không thể tách rời nhau. Nếu chỉ đơn thuần chú trọng một nội dung nào đó mà không có sự kết hợp chặt chẽ với những nội dung khác có liên quan thì kết quả sẽ rất hạn chế. Điều này đã được chứng minh rất rõ trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW đối với ngành Tư pháp tỉnh Ninh Thuận. Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, bộ máy, tổ chức, biên chế của Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp và cán bộ Tư pháp-Hộ tịch cấp xã đã từng bước được kiện toàn theo hướng chuyên môn hóa, hiệu quả, trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm nhiều hơn; chất lượng, hiệu quả đã được nâng lên theo hướng phong phú, dễ hiểu, phù hợp với mọi đối tượng (trong đó mức chi ngân sách năm 2005 là 150 triệu đồng, đến năm 2010 là 350 triệu đồng). Công tác xây dựng, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được coi trọng hơn; đội ngũ những người trực tiếp làm công tác này ở Sở Tư pháp cũng như cán bộ tổ chức pháp chế các Sở, ngành đều được bồi dưỡng về kỹ năng soạn thảo, thẩm định khi tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc cải cách các thủ tục hành chính đã có những chuyển biến mới, tích cực theo hướng tinh gọn, đơn giản về thủ tục; rút ngắn về thời gian; nâng cao hiệu quả chất lượng sản phẩm…
Ngành Tư pháp tỉnh Ninh Thuận đã được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, ban hành 3 văn bản rất quan trọng là các Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức pháp chế. Trong thời gian tới, bài học này cần được nghiên cứu nâng tầm và nhân rộng để bảo đảm thực hiện tốt phương hướng cải cách tư pháp nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng nền Tư pháp trong sạch, vững mạnh phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN…
2. Xác định rõ lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm và bước đi thích hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp là phương pháp khoa học và thực tế đem lại hiệu quả cao:
Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, có 8 điểm mới mang tính chiến lược cần được nắm vững để từ đó xác định lộ trình phù hợp nhằm bảo đảm đưa Nghị quyết vào cuộc sống đáp ứng đúng nhu cầu thực tế. Làm gì và làm thế nào để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và đối với pháp luật về hình sự để giảm mức tối đa các hình phạt tù, tăng hình phạt tiền là nhiệm vụ số một cực kỳ quan trọng, không chỉ đối với các cơ quan tư pháp cấp Trung ương mà cả hệ thống cơ quan tư pháp địa phương phải thực sự nắm vững quan điểm để có giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu. Nội dung này tuy đã có nhiều cố gắng nhưng thực tế hiệu quả còn nhiều hạn chế; ngành Tư pháp tỉnh Ninh Thuận vẫn còn nhiều lúng túng với giải pháp này. Để bảo đảm nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, sự phối hợp, liên kết giữa các ngành trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và những hội thảo, tọa đàm, hội nghị cũng cần được chú trọng để giải quyết tốt nhất mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn trong quá trình thực hiện.
Một nội dung rất quan trọng mà Nghị quyết số 49-NQ/TW xác định tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động tư pháp đã được triển khai. Thực tế ở địa phương có quan tâm, có những chuyển biến mới nhưng so với yêu cầu vẫn cần được tìm những giải pháp thích ứng, phù hợp hơn để xây dựng hệ thống ngành Tòa án xứng đáng với vị trí trung tâm mà Nghị quyết số 49-NQ/TW đã xác định. Với nội dung này, ngành Tư pháp địa phương phải tập trung đầu tư nhiều hơn về mọi mặt; trong đó vấn đề xây dựng quy chế phối hợp hoạt động của các cơ quan tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng để góp phần hoàn thiện cơ chế xây dựng vị trí trung tâm của Tòa án.
3. Đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành nền nếp, thường xuyên với những nội dung thiết thực, phù hợp đặc điểm của từng cơ quan tư pháp. Tiếp tục chỉ đạo, kiện toàn và xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ là bài học kinh nghiệm, đồng thời là giải pháp thiết thực được xác định tại báo cáo sơ kết 5 năm của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW:
Quá trình thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận đã luôn gắn kết với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đây là một nội dung có ý nghĩa về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức; trong thực tế điều này đã được khẳng định là cần phải được tiếp tục theo hướng tập trung nhiều hơn nội dung “làm theo”. Với nội dung này thì việc xác định lộ trình, những loại công việc có trọng tâm, trọng điểm và có bước đi thích hợp, phù hợp với đặc điểm của từng ngành trong hệ thống các cơ quan Tư pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến chất lượng và hiệu quả thực hiện những nhiệm vụ chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Phạm Văn A
(Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp)