Trong đó chúng xác định tuyến phòng thủ Phan Rang là “Lá chắn thép”, Xuân Lộc là “Cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn và ra sức kêu gọi, hò hét, động viên binh lính tử thủ giữ bằng được Phan Rang, nhằm ngăn chặn Cánh quân Duyên hải của ta tiến quân về giải phóng Sài Gòn. Với toan tính trên, địch tập trung tại đây một lực lượng rất mạnh gồm: Sư đoàn 6 không quân, Lữ đoàn 2 dù, Sư đoàn 2 bộ binh, Liên đoàn 31 biệt động quân và bảo an dân vệ ở tiểu khu Ninh Thuận... Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 quân đội Sài Gòn đóng tại sân bay Thành Sơn. Toàn bộ lực lượng địch với hơn 10.000 tên, được sự yểm trợ của pháo binh và hơn 150 máy bay các loại. Chúng tổ chức phòng ngự liên hoàn chặt chẽ, trên những địa hình có lợi. Với lực lượng đó, chúng hy vọng sẽ chặn đứng được Cánh quân Duyên hải của ta trước cửa ngõ Phan Rang đến tới mùa mưa (tháng 6) sẽ tổ chức phản công chiến lược.
Trước diễn biến mau lẹ của tình hình, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp và nhận định: Thời cơ lúc này ta có đủ điều kiện và khả năng giành thắng lợi hoàn toàn trong thời gian sớm hơn dự kiến. Vì vậy, với tư tưởng chỉ đạo nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, nhanh chóng giành thắng lợi trước mùa mưa. Ngày 5/4/1975, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Cánh quân Duyên hải và Trung tướng Lê Quang Hòa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính ủy giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 2 khẩn trương tổ chức hành quân vào Nam chiến đấu. Theo mệnh lệnh của Bộ, Quân khu 5 tăng cường lực lượng cho Quân đoàn 2 gồm: Sư đoàn bộ binh 3 (sẽ được sáp nhập vào đội hình chiến đấu của Quân đoàn tại Phan Rang), Tiểu đoàn 5 thiết giáp của Trung đoàn 574; Trung đoàn Bộ binh 46 cho Sư đoàn 325 (vì Trung đoàn 95B của Sư đoàn 325 đang tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên). Như vậy, lực lượng của Quân đoàn 2 tiến quân vào Nam Bộ chiến đấu gồm: Sư đoàn 304, 325, Sư đoàn 673 pháo phòng không, Lữ đoàn xe tăng 203 (thiếu), Lữ đoàn pháo binh 164, cùng các đơn vị bảo đảm khác. Quân đoàn tổ chức thành 5 khối hành quân, bằng nhiều phương tiện chuyên chở (ôtô, tàu hải quân) nhanh chóng tiếp cận tuyến phòng thủ Phan Rang của địch.
Bộ đội đánh chiếm Tòa hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận lúc 9 giờ 30 phút, ngày 16/4/1975. Ảnh tư liệu
9 giờ sáng ngày 7/4/1975, khối đi đầu (Sư đoàn 325 cùng các lực lượng được tăng cường), từ Đà Nẵng bắt đầu xuất phát. Ngày 10/4, lực lượng đi đầu của Quân đoàn đã tới Cam Ranh, các khối còn lại đang trên đường tiến quân vào Bắc Cam Ranh theo kế hoạch. Cùng thời gian đó, từ ngày 8 đến 11/4, Sư đoàn 3 đã đưa toàn bộ lực lượng triển khai ở Bắc thị xã Phan Rang sẵn sàng tiến công địch. Không thể chậm trễ, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Cánh quân Duyên hải, ra lệnh cho Sư đoàn 3 lập tức đánh chiếm Phan Rang mở thông đường cho các lực lượng từ phía sau tiến quân vào Nam, giải phóng Sài Gòn. 5 giờ 30 phút ngày 14/4/1975, Sư đoàn 3 nổ súng tiến công vào tuyến phòng ngự Phan Rang của địch. Qua hai ngày chiến đấu quyết liệt, Sư đoàn 3 đánh chiếm được một số mục tiêu dọc quốc lộ số 1 và các khu vực lân cận như quận lỵ Du Long, các điểm cao 105, 300, Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá và tiêu diệt một số cứ điểm ngoại vi sân bay Thành Sơn. Ngày 15/4/1975, Sư đoàn 3 tiếp tục tiến công nhưng chưa đột phá được vào trung tâm thị xã và sân bay Thành Sơn.
Lúc này, đội hình hành quân của Quân đoàn 2 đã 4 ngày ém quân ở khu vực Bắc Cam Ranh để chờ mở thông đường tiến. Cán bộ, chiến sĩ vô cùng nóng lòng, sốt ruột. Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn nhận thấy mỗi phút, mỗi giờ vô cùng quý giá, nên đề nghị Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên hải cho Quân đoàn 2 đưa Sư đoàn 325 vào chiến đấu với phương án tiến công táo bạo, bất ngờ (tiến công trong hành tiến). Được trên đồng ý, đêm ngày 15/4/1975, Sư đoàn 325 bí mật chiếm lĩnh bàn đạp triển khai đội hình tiến công, đến 5 giờ sáng ngày 16/4/1975, được lệnh nổ súng, các mũi trên các hướng đồng loạt tiến công vào các vị trí phòng ngự kiên cố của địch.
Xe tăng quân giải phóng truy kích quân địch tại cửa ngõ vào sân bay Thành Sơn. Ảnh tư liệu
Mũi thứ nhất, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn gồm: Trung đoàn bộ binh 101 và Tiểu đoàn xe tăng 4 thuộc Lữ đoàn xe tăng 203 là lực lượng đột phá chủ yếu theo đường quốc lộ 1 vào trung tâm, đến 9 giờ 30 phút Quân đoàn 2 làm chủ thị xã Phan Rang. Sau đó phát triển phối hợp cùng với Sư đoàn 3 đánh chiếm sân bay Thành Sơn. Mũi thứ 2, tiếp tục đánh chiếm quận lỵ An Phước, Phú Quý và truy quét tàn quân địch. Mũi thứ 3, phối hợp đánh chiếm cảng Ninh Chữ và Tân Thành không cho địch tháo chạy ra biển. Với lối đánh bất ngờ, táo bạo bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, đến 13 giờ 30 phút ngày 16/4/1975, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ sân bay Thành Sơn, nhiệm vụ đập tan “lá chắn thép” Phan Rang và giải phóng tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thành.
Kết thúc trận đánh, ta đã bắt sống Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 địch, trong đó có hai viên tướng (Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang). Tiêu diệt và làm tan rã Lữ đoàn 2 dù, Liên đoàn 31 biệt động, Sư đoàn 6 không quân và toàn bộ lực lượng bảo an của tiểu khu Ninh Thuận. Bắt sống hàng ngàn sĩ quan và binh lính quân đội Sài Gòn, có cả cố vấn Mỹ. Bắn cháy nhiều máy bay A37 của địch, bắn chìm 3 tàu chiến, thu 40 máy bay còn nguyên vẹn, hàng chục xe tăng M113 và M48, 60 khẩu pháo cùng nhiều trang bị kỹ thuật phương tiện chiến tranh khác... Đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, giải phóng tỉnh Ninh Thuận trong cuộc hành quân thần tốc của Cánh quân Duyên hải mang một ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng.
Ta đã đập tan tuyến phòng thủ chiến lược từ xa của địch, góp phần làm thay đổi so sánh thế và lực, tạo ra bước nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta trên chiến trường. Đồng thời cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân thi đua giết giặc lập công, “một ngày bằng 20 năm” thực hiện đột kích dũng mãnh, thọc sâu táo bạo. Từ đó tạo nên một phản ứng thất bại dây chuyền địch hoang mang tháo chạy khi Cánh quân Duyên hải tiến quân giải phóng các tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy. Ngày 20/4/1975, đội hình của Quân đoàn 2 có mặt ở khu vực Rừng Lá, ấp Phú Minh thì địch ở Xuân Lộc càng hoang mang. Nhận thấy “cánh cửa thép” Xuân Lộc trước nguy cơ bị tiêu diệt, trong đêm đó chúng đã tháo chạy theo Tỉnh lộ 2 về Bà Rịa. Như vậy “vành đai thép” của địch sụp đổ hoàn toàn, cánh cửa phía Đông và Đông Nam Sài Gòn đã mở toang. Tạo điều kiện và thời cơ thuận lợi cho các cánh quân tập trung lực lượng áp đảo, đẩy nhanh cuộc tổng tiến công chiến lược cuối cùng tại sào huyệt địch ở Sài Gòn.
Mặt khác đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, còn thể hiện sự nắm bắt thời cơ, xử trí các diễn biến mau lẹ tình hình chiến trường của người chỉ huy trong chiến đấu và khẳng định sức đột kích mạnh, tính cơ động cao với tư tưởng thần tốc, táo bạo và khả năng tổ chức vận dụng linh hoạt chiến thuật tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng của bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang Quân khu 5 cùng quân và dân tỉnh Ninh Thuận.
Tiến công địch tại Hộ Diêm. Ảnh tư liệu
Đối với chính quyền Sài Gòn, sự kiện “lá chắn thép” Phan Rang bị đập tan tạo ra một “cơn địa chấn” chính trị lớn, tạo ra áp lực mạnh, làm cho nội bộ chính quyền Sài Gòn vốn đã lục đục, nay càng mâu thuẫn gay gắt. Trước áp lực của tình hình và sức ép của người Mỹ, sáng 21/4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu buộc phải tuyên bố từ chức. Sự thay đổi về nội bộ của chính quyền Sài Gòn trong tình thế suy sụp đã không thể làm thay đổi được cục diện chiến tranh và cứu vãn được tình hình. Mặt khác, sau khi hàng loạt địa bàn chiến lược quan trọng bị mất, tinh thần và ý chí chiến đấu của quân đội Sài Gòn ngày càng suy sụp trầm trọng.
Nghiên cứu về các yếu tố tạo nên thắng lợi trong cuộc hành quân thần tốc, vừa tiến quân, vừa chiến đấu của Cánh quân Duyên hải đập tan “lá chắn thép” Phan Rang giải phóng tỉnh Ninh Thuận trong thời gian ngắn đã để lại cho ta những bài học vô cùng quý giá đó là:
Một là, quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công của Bộ Chính trị, xây dựng ý chí, quyết tâm cao là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của Cánh quân Duyên hải.
Tỉnh ủy, Ủy ban Quân quản tỉnh ra mắt nhân dân trong lễ mít tinh chào mừng quê hương giải phóng (năm 1975). Ảnh tư liệu
Trước diễn biến mau lẹ của tình hình; ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: Thời cơ lúc này ta có đủ lực lượng, điều kiện và khả năng giành thắng lợi hoàn toàn trong thời gian sớm hơn dự kiến... Với tư tưởng chỉ đạo: Nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa để nhanh chóng giành thắng lợi. Vì vậy, phát huy thắng lợi của chiến dịch Đà Nẵng, cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 2 có nguyện vọng tha thiết được tham gia trận đánh cuối cùng giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Trước khí thế hăng hái đồng lòng quyết tâm xung trận của cán bộ, chiến sĩ, Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã họp đánh giá tình hình các mặt, thống nhất đề nghị với Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên hải, được đồng chí Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh mặt trận và đồng chí Trung tướng Lê Quang Hòa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính ủy Cánh quân nhất trí và báo cáo lên Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Ngay từ khi Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định cho Quân đoàn 2 tiếp tục tiến quân vào Nam chiến đấu, từ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn đến cấp ủy các cơ quan, đơn vị đã tiến hành công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng làm cho mọi quân nhân thấu suốt đường lối chính trị, quân sự của Đảng; nhận rõ vị trí, ý nghĩa chiến lược, tầm quan trọng của nhiệm vụ. Động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao quyết tâm, ý thức trách nhiệm sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đặc biệt coi trọng giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ quán triệt tư tưởng chỉ đạo: Kiên quyết và liên tục tiến công địch, phát huy khả năng sáng tạo, tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Với khí thế sôi nổi, các cơ quan và đơn vị khẩn trương làm công tác chuẩn bị. Cục Chính trị chỉ đạo, hướng dẫn tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, phát huy vai trò của các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng trong hành quân chiến đấu đường dài. Ở các đơn vị vừa giáo dục chính trị tư tưởng xây dựng niềm tin chiến thắng, củng cố quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ có thêm sức mạnh vượt mọi khó khăn... Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, trong Bức điện số 157/ĐK của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam gửi cho các cánh quân lúc 0 giờ 30 phút ngày 7/4. Nên chỉ sau 5 ngày đêm (5/4/1975) toàn Quân đoàn từ khâu xây dựng quyết tâm hành quân, dự kiến tình huống và phương án đánh địch trên đường tiến quân, đến công tác điều chỉnh lực lượng, bổ sung vũ khí trang bị, vật chất hậu cần kỹ thuật và thực hành chỉ huy hành quân, với quyết tâm người bám xe, xe bám đường “đánh địch mà đi mở đường mà tiến”. Đến ngày 10/4/1975, lực lượng đi đầu của Quân đoàn (Sư đoàn 325) đã tới Cam Ranh kịp thời cùng Sư đoàn 3 tiến công quân địch đập tan “lá chắn thép” Phan Rang mở thông đường cho các lực lượng phía sau tiến quân vào giải phóng Sài Gòn.
Hai là, chỉ huy chủ động, kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo là yếu tố quyết định đến kết quả đập tan “lá chắn thép” Phan Rang.
Mít tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc khánh 2/9 và chào mừng năm đầu tiên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975). Ảnh tư liệu
Trong khi Quân đoàn 2 hành quân tới Phan Rang, Sư đoàn 3 tổ chức tiến công địch đã 2 ngày nhưng chưa mở thông đường tiến. Qua nghiên cứu phản ứng của địch, Bộ Tư lệnh Quân đoàn nhận thấy địch triệt để lợi dụng sức mạnh của phi pháo, yểm trợ cho bộ binh giữ các trận địa phòng ngự. Trong khi đó, địa hình Phan Rang phức tạp, các lực lượng tiến công của ta gần như chỉ triển khai được trên một hướng nên khi bị địch dựa vào các điểm cao và địa hình có lợi, tổ chức thành các cụm phòng ngự liên hoàn với nhau theo trục quốc lộ số 1, cụm ngoài bị vỡ, chúng lui về giữ cụm sau làm bàn đạp phản công, khôi phục, ta rất khó phát triển. Tuy nhiên, địch cũng bộc lộ một số điểm yếu do phải dàn mỏng lực lượng, khả năng cơ động kém, lực lượng dự bị ít. Nếu ta khống chế được sân bay Thành Sơn và kiềm chế được các trận địa pháo của địch, tổ chức tiến công nhanh, mạnh, dồn dập, bất ngờ, chắc chắn đội hình địch sẽ bị rối loạn và tan vỡ. Xuất phát từ những phân tích khoa học đó, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã đề nghị Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên hải đưa Sư đoàn 325 vào chiến đấu với phương án táo bạo, cơ động tiến công trong hành tiến, tổ chức lực lượng thọc sâu mạnh theo quốc lộ số 1. Dẫn đầu đội hình tiến công, các chiến sĩ Sư đoàn 325 trên 20 chiếc xe tăng, thiết giáp của Tiểu đoàn 4 thuộc Lữ đoàn xe tăng 203. Số còn lại cơ động bằng xe bánh hơi đi xen kẽ với xe tăng, thiết giáp được pháo phòng không 37ly bảo vệ đi cùng. Tiếp theo sau là đoàn xe chở lực lượng Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3, cùng lực lượng pháo binh của Trung đoàn 84... Với đội hình tiến công dũng mãnh, đánh thẳng vào trung tâm thị xã Phan Rang. Sư đoàn 325 nhanh chóng tiêu diệt lực lượng địch ở khu vực Hộ Diêm, An Xuân, ngã 3 Cà Đú, làm chủ thị xã Phan Rang. Từ đó, các mũi tiến công của ta tỏa ra các hướng, phối hợp với lực lượng Sư đoàn 3 và lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Thuận. Kết hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào chiếm cảng Ninh Chữ, cảng Tân Thành, bịt chặt đường biển. Dọc theo đường 11, Tiểu đoàn 1 đánh ngược lên chiếm sân bay Thành Sơn. Dứt điểm giải phóng thị xã Phan Rang chỉ trong một ngày làm cho địch không kịp trở tay hoặc tháo chạy về tuyến sau củng cố. Đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, đầy tính sáng tạo, thể hiện sự mưu trí, dũng cảm, sự quyết đoán của Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên hải nói chung và tập thể Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 nói riêng.
Qua đó cho ta thấy sự phát triển mới của nghệ thuật quân sự, tiến công cụm cứ điểm phòng ngự của địch ở thành phố, thi xã trong hành tiến bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng. Đây cũng là cơ sở thực tiễn, luận cứ khoa học để nghiên cứu và phát triển hình thức tác chiến tiến công vượt điểm của quân đội ta hiện nay.
Ba là, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, vận dụng sáng tạo về bảo đảm cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật tại chỗ góp phần tạo nên chiến thắng.
Nhân dân tham gia Lễ mít tinh chào mừng năm đầu tiên giải phóng Ninh Thuận.Ảnh tư liệu
Trên đường tiến quân vào chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, để giải quyết đúng đắn các vấn đề của thực tiễn chiến đấu đặt ra. Vận chuyển tiếp tế đạn dược, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm từ hậu phương bảo đảm cho hơn 32.000 người cùng số lượng lớn xe pháo trên đường vừa tiến quân, vừa chiến đấu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì tuyến vận tải kéo dài, nhằm đẩy nhanh tốc độ và quy mô vận chuyển phục vụ kịp thời các yêu cầu của chiến trường. Quân đoàn đã huy động mọi khả năng, kết hợp mọi phương thức vận tải. Ngoài các đơn vị vận tải Sư đoàn 371, Trung đoàn công binh cầu phà 83, tàu hải quân được trên tăng cường và số xe trong biên chế hiện có của các đơn vị, mới bảo đảm chuyên chở được hai phần ba lực lượng và phương tiện. Không thể trông chờ, ỷ lại, Quân đoàn đã linh hoạt, chủ động phối hợp cùng với chính quyền và nhân dân Huế, Đà Nẵng huy động hơn 100 xe ô tô cùng lái xe, tỉnh Bình Định huy động 56 xe ô tô chở Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304) từ Quy Nhơn vào vị trí tạm dừng của Sư đoàn ở Nha Trang sau khi đã hành quân bằng đường biển từ cảng Đà Nẵng đến cảng Quy Nhơn. Đồng thời, Quân đoàn sử dụng 487 chiếc xe GMC thu được của địch đưa vào vận chuyên quân, với tổng số phương tiện vận tải trên, đủ chuyên chở toàn bộ lực lượng, phương tiện chiến đấu của quân đoàn vượt chặng đường dài hàng trăm kilômét. Khắc phục hàng trăm cầu cống trên đường bị địch phá hủy, gặp địch ở đâu là chiến đấu được ngay.
Nhằm giải quyết tốt vấn đề vũ khí, đạn dược của ta chưa bổ sung kịp, Quân đoàn đã có chủ trương “lấy vũ khí, trang bị, phương tiện của địch để đánh địch”. Chỉ trong mấy ngày, Lữ đoàn xe tăng 203 đã bổ sung vào biên chế của đơn vị hàng chục xe tăng M113 và M48, Trung đoàn 68 Sư đoàn 304 và Trung đoàn 84 Sư đoàn 325 tổ chức thêm 4 Đại đội pháo 105ly, Lữ đoàn pháo binh 164 tổ chức thêm 1 Tiểu đoàn pháo 155ly (pháo tầm xa của địch). Trong lúc xe chạy, hay tạm dừng chiến sĩ bộ binh, binh chủng tranh thủ trao đổi kinh nghiệm chiến đấu và học tập cách sử dụng vũ khí của địch. Qua đó cán bộ, chiến sĩ đã làm chủ được số vũ khí của địch hiện đang chiếm một tỷ lệ khá lớn trong trang bị của các đơn vị.
Tất cả các yếu tố cơ bản trên đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của Cánh quân Duyên hải nói chung và Quân đoàn 2 nói riêng thực hiện thắng lợi cuộc tiến quân thần tốc, giải phóng các tỉnh dọc miền duyên hải Nam Trung Bộ, đập tan “lá chắn thép” Phan Rang tiến tới tham gia trận đánh cuối cùng giải phóng Sài Gòn.
Theo Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đập tan "lá chắn thép" Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử