Từ năm 2021 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai thực hiện và nghiệm thu 9 nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ nghiên cứu, lựa chọn giống mới như “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô (Invitro) nhân giống nha đam sạch bệnh và xây dựng mô hình sản xuất chuyên canh cây nha đam phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tỉnh Ninh Thuận”; “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình ương nuôi giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa (Anguilla marmorata) đạt năng suất và hiệu quả cao tại tỉnh Ninh Thuận”... Các nhiệm vụ KH&CN đã phát huy được hiệu quả, giải quyết các vấn đề cấp thiết của sản xuất tại địa phương; nhiều giống mới được chuyển giao cho các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh đồng Việt, Trang trại Nắng và Gió, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố,... đưa vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhân viên Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt chăm sóc cây nha đam tại
xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: V.Nỷ
Thực hiện mục tiêu “Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước”, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng thành tựu khoa học vào sản xuất tôm giống như: Công nghệ xử lý nước bằng hệ thống siêu lọc, tích hợp tia cực tím (UV), công nghệ Ozone, công nghệ sinh học để quản lý, kiểm soát chất lượng nước. Tính đến nay, toàn tỉnh có 27 doanh nghiệp sản xuất tôm giống ứng dụng CNC; 100% cơ sở sản xuất tôm giống được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; 100% cơ sở được giám sát an toàn dịch bệnh, trong đó có 12 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Hầu hết các thành viên của Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận đều sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” trên nhãn mác để truy xuất nguồn gốc, quảng bá thương hiệu và khẳng định uy tín “Tôm giống Ninh Thuận” trên thị trường. Sản lượng tôm giống năm 2023 đạt 41 tỷ con post, chủ động một phần nguồn tôm bố mẹ trong sản xuất giống theo yêu cầu của thị trường. Trong quý I/2024, toàn tỉnh sản xuất được 8 tỷ con tôm giống, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Để thúc đẩy sản xuất nho phát triển bền vững, công tác nghiên cứu, lựa chọn giống nho mới được tỉnh quan tâm. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố xây dựng được quy trình thâm canh giống nho NH01-152, NH04-61, NH04-128 và mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng VietGAP. Hiện nay, giống nho NH01-152 đã hình thành các khu sản xuất tập trung năng suất từ 25-30 tấn/ha/năm. Cùng với đó, sở cũng đã phối hơp với các đơn vị có liên quan lựa chọn một số giống nho mới trồng khảo nghiệm, đánh giá tính thích nghi để nhân rộng; đồng thời, chứng nhận vườn cây đầu dòng giống táo bom TN01; ban hành tiêu chuẩn cơ sở chất lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng nho để làm cơ sở triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
Có thể nói, họat động nghiên cứu, lựa chọn giống mới đã góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện đại, đồng bộ, năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế, thân thiện môi trường, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung nghiên cứu, ứng dụng ưu thế lai để tạo ra các giống cây trồng đặc thù có tiềm năng chiếm lĩnh thị trường với các đặc tính ưu việt, phù hợp điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của tỉnh như: Các giống nho, táo, măng tây xanh, dưa lưới, hành, tỏi. Đồng thời, cải tạo chất lượng giống đàn bò, dê, cừu, heo bản địa; nghiên cứu sản xuất các giống tôm bố mẹ, giống cá biển và một số giống thủy sản khác.
Anh Tùng