Năm học này, Trường TH Bảo An 2 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) là một trong những đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chọn triển khai thí điểm giáo dục STEM theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp TH. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, cho biết: Từ đầu năm học đến nay, nhà trường triển khai thí điểm giáo dục STEM cho HS từ khối lớp 1 đến lớp 4 theo hình thức: Bài học STEM (2 bài học/học kỳ/lớp) và hoạt động trải nghiệm STEM thông qua tổ chức ngày hội STEM phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường và đối tượng học sinh (HS).
Để giáo dục STEM được triển khai thuận lợi, đảm bảo chất lượng và yêu cầu, trước đó, nhà trường đã cử 5 cán bộ (CB), giáo viên (GV) tham gia lớp tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức, sau đó tổ chức tập huấn, phổ biến lại những nội dung được trang bị cho GV toàn trường. Cùng với đó, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng bài học STEM như một chuyên đề để nghiên cứu, báo cáo, thảo luận, chia sẻ, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm. Trong tháng 3/2024, nhà trường tổ chức Ngày hội STEM cho HS các lớp tham gia sáng tạo, giới thiệu sản phẩm... Qua thời gian triển khai, giáo dục STEM mang lại hiệu quả tích cực, nổi bật là việc tạo hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập, giúp HS khám phá tiềm năng của bản thân, khám phá khoa học, công nghệ, phát huy tính tích cực sáng tạo và vận dụng giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế hiện nay là trường chưa có không gian riêng cho hoạt động STEM. Mặt khác, năm học 2023-2024 là năm đầu tiên triển khai thí điểm giáo dục STEM nên CB, GV còn bỡ ngỡ, phải chuẩn bị hầu hết các dụng cụ, vật liệu cho việc tổ chức các bài học, vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm. Để giáo dục STEM được triển khai ngày càng hiệu quả, cần sự phối hợp tốt hơn của phụ huynh trong việc chuẩn bị các vật tư, vật liệu. Đối với ngành GD&ĐT, cần tổ chức thêm các lớp tập huấn để CB, GV các trường có thêm kỹ năng, kiến thức tổ chức thực hiện giáo dục STEM tốt hơn trong năm học tới.
Giờ lên lớp của cô và trò lớp 1A, Trường Tiểu học Bảo An 2.
Cô giáo Từ Thị Kim, Tổ trưởng Tổ 1, GV chủ nhiệm lớp 1A, Trường TH Bảo An 2, chia sẻ: Đối với lớp 1, các tiết học STEM mang lại không khí vui tươi, hứng thú với cả GV và HS. Bài học STEM hướng HS tới việc vận dụng kiến thức liên môn: Toán, Tự nhiên và Xã hội, Mỹ thuật vào thực hành chế tạo các sản phẩm học tập có tính sáng tạo và gắn với thực tiễn như: Thước tách gộp, dụng cụ gấp quần áo, thiệp hoa yêu thương... từ những vật liệu đơn giản, dễ kiếm như bìa carton, giấy A4, màu vẽ. Thông qua những bài học STEM, HS cũng được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, sự khéo léo, kiên nhẫn, tư duy sáng tạo, nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ đó chia sẻ, điều chỉnh những điểm chưa đúng, chưa phù hợp để cùng tiến bộ trong học tập.
Tại Trường TH Mỹ Hương (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), giáo dục STEM cũng được triển khai thí điểm trong năm học này và được nhà trường đánh giá cao về hiệu quả mang lại. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Liễu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Từ đầu năm học đến nay, nhà trường đã tổ chức được 14/16 bài học STEM ở khối lớp 1 đến lớp 4. Bài học STEM hướng HS tới việc vận dụng kiến thức liên môn: Toán, Khoa học (Tự nhiên và Xã hội), Công nghệ, Mỹ thuật vào thực hành chế tạo các sản phẩm gắn với thực tiễn như: Bữa ăn gia đình, đồng hồ sử dụng số La Mã, máy chiếu phim, môi trường xanh, thành phố hình học, bộ số bí ẩn... từ những vật liệu đơn giản, dễ tìm như thùng xốp, chai lọ nhựa, bìa carton, giấy thủ công, màu vẽ, đất nặn... thu hút HS các lớp tham gia. Qua đó, khơi gợi niềm say mê học tập, giúp HS khám phá tiềm năng của bản thân, khám phá khoa học, công nghệ, phát huy tính tích cực sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, sự khéo léo, tính thẩm mỹ. Điều thuận lợi trong triển khai giáo dục STEM là nhà trường nhận được sự đồng hành của phụ huynh HS trong việc chuẩn bị vật tư, vật liệu; CB, GV cốt cán của trường được tham gia các lớp tập huấn của bộ, Sở GD&ĐT. Các chủ đề STEM được lựa chọn giảng dạy phù hợp với bài học trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Tuy vậy, khó khăn là trường chưa có không gian riêng cho hoạt động STEM; thời gian tổ chức một bài học STEM bằng 2 tiết học theo phân phối chương trình, đôi khi kéo dài đến tận 3 tiết (vượt thời gian theo quy định) nên phải bố trí GV dạy bù vào tiết tăng cường buổi chiều. Khi tổ chức bài học STEM, GV cũng cần chuẩn bị thêm vật tư, vật liệu và vất vả hơn trong khâu hướng dẫn, hỗ trợ các nhóm HS, nhất là HS lớp 1 sáng tạo sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT triển khai thí điểm giáo dục STEM tại 35 trường TH thuộc địa bàn 7 huyện, thành phố của tỉnh (5 trường/huyện). Qua theo dõi, nắm bắt thông tin, giáo dục STEM được các trường triển khai nghiêm túc, bài bản, HS hào hứng tham gia và bước đầu mang lại kết quả tích cực. Sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức kiểm tra tại các trường, sau đó tổ chức sơ kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai nhân rộng giáo dục STEM theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp TH trong năm học 2024-2025 đảm bảo chất lượng, yêu cầu theo quy định.
Theo Bộ GD&ĐT, giáo dục STEM là phương thức giáo dục chủ yếu dựa trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho HS huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics) để phát triển phẩm chất, năng lực và giải quyết hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Khi thực hiện giáo dục STEM, khuyến khích tích hợp thêm yếu tố nghệ thuật, nhân văn (Art) ở một số môn học, hoạt động giáo dục có trong chương trình nhằm mở rộng, nâng cao hiệu quả của giáo dục thực hành, hợp tác theo nhiều cách khác nhau để thúc đẩy tính sáng tạo, thẩm mỹ, trí tò mò và sự thấu cảm của HS (thực hiện giáo dục STEAM).
Lâm Anh