Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và trung ương, cùng sự linh hoạt, chủ động trong công tác tham mưu và quản lý các nguồn thu, các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở KCB tuyến tỉnh, huyện đã đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, khám và điều trị. Trong công tác KCB, đến nay, 100% trạm y tế được cài đặt và sử dụng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử (SKĐT); 100% cơ sở hành nghề y dược công lập, tư nhân được tập huấn, triển khai thực hiện kê đơn thuốc điện tử theo quy định của Bộ Y tế; 100% cơ sở KCB công lập được tập huấn các nền tảng số y tế; tổng số nhân khẩu khởi tạo trên phần mềm hồ sơ SKĐT là 624.403 hồ sơ, đạt 93,9% dân số; tổng số hồ sơ SKĐT trên toàn tỉnh được cập nhật dữ liệu KCB là 467.933/624.403 hồ sơ, đạt 75,91%. Ngoài ra, các đơn vị đã triển khai ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin” cho người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế đạt 100%. Thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu về giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng tử, giấy chứng sinh lên cổng giám định bảo hiểm y tế (BHYT) phục vụ Đề án 06, từ năm 2023 đến nay, các cơ sở KCB đã cập nhật, liên thông, ký số hơn 11.500 giấy khám sức khỏe lái xe, 10.200 giấy chứng sinh. Toàn tỉnh có 76/76 (100%) cơ sở KCB đã triển khai thực hiện KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp; từ năm 2022 đến nay đã có 1.179.220 lượt thực hiện tra cứu thẻ CCCD gắn chíp KCB BHYT; tỷ lệ tra cứu thành công đạt 84,95 %. Ngoài ra, 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực kết nối với bệnh viện tuyến trên phục vụ KCB qua nền tảng công nghệ số.
Người dân đăng ký khám bệnh bằng hệ thống tự động tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Phan Rang. Ảnh: Văn Nỷ
Trong công tác quản lý, hiện tất cả các cơ sở đều sử dụng thành thạo phần mềm quản lý văn bản TD.Office và sử dụng ký số hoàn toàn với các văn bản số theo quy định; sử dụng thành thạo phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phần mềm kế toán, phần mềm kê khai thuế, hóa đơn điện tử... Việc triển khai thanh toán điện tử không sử dụng tiền mặt được các đơn vị y tế đẩy mạnh thông qua nhiều phương thức khác nhau như: Đặt POS, quét mã QR, chuyển khoản qua số tài khoản hoặc dùng ví điện tử...
Đồng chí Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS của ngành vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, khó khăn nhất đó là hạ tầng CNTT thiếu đồng bộ, tốc độ còn thấp. Cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT có nhiều vấn đề chưa rõ ràng nên việc triển khai thực hiện gặp khó khăn, các bệnh viện chủ yếu sử dụng quỹ đầu tư phát triển của đơn vị để ứng dụng CNTT, ảnh hưởng đến các hoạt động khác của bệnh viện. Một số người dân, nhất là người lớn tuổi, người đồng bào dân tộc thiểu số... không biết hoặc chưa có thói quen sử dụng các phần mềm KCB, thẻ thanh toán... làm ảnh hưởng đến công tác CĐS của ngành.
Mục tiêu trong giai đoạn 2024-2035, ngành Y tế duy trì trên 92% người dân có hồ sơ SKĐT; dữ liệu hồ sơ SKĐT được cập nhật liên tục, đầy đủ, chính xác, được đối chiếu thông tin hành chính và kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 100% bệnh viện tuyến tỉnh triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử; 100% dữ liệu sức khỏe của người dân được hình thành trong các đợt KCB được cập nhật đầy đủ lên kho dữ liệu hồ sơ SKĐT. Ngoài ra, ngành hình thành kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện tổng hợp, phân tích dữ liệu để có các chỉ đạo kịp thời về phòng, chống dịch bệnh và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn. Các cơ sở y tế duy trì việc thực hiện KCB bằng CCCD có gắn chíp thay cho thẻ BHYT. 100% bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện duy trì kết nối với bệnh viện tuyến trên phục vụ KCB thông qua nền tảng công nghệ số. Phấn đấu thực hiện dịch vụ thanh toán viện phí ngoại trú và nội trú không dùng tiền mặt tại các cơ sở KCB đạt 50% trên tổng lượt thanh toán viện phí ngoại trú và nội trú...
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Y tế tích cực khởi tạo dữ liệu sức khỏe toàn dân thông qua cập nhật tức thời, thường xuyên, đầy đủ về kho dữ liệu từ nguồn chuyên môn KCB, phòng bệnh và các nguồn dữ liệu khác trong công tác quản lý: Nguồn hành chính, nguồn dữ liệu BHYT, nguồn dữ liệu dân số... Kế thừa, khai thác các hệ thống cơ sở dữ liệu KCB đã ứng dụng trên địa bàn tỉnh để triển khai trung tâm điều hành y tế thông minh nhằm đẩy mạnh mục tiêu CĐS và nâng tầm bệnh viện thông minh, đặc biệt phát triển nhanh ứng dụng phục vụ KCB từ xa, cập nhật bệnh án điện tử... Xây dựng trục cơ sở dữ liệu ngành Y tế của tỉnh để kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu y tế trên địa bàn tỉnh và liên thông dữ liệu y tế của tỉnh lên kho dữ liệu y tế của Bộ Y tế. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế về ứng dụng CNTT, CĐS y tế...
Uyên Thu