Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ

Những năm qua, tỉnh ta luôn quan chỉ đạo thực hiện công tác nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN), trọng tâm là phát triển các tổ chức doanh nghiệp (DN) KH&CN; đội ngũ trí thức KH&CN; xây dựng mạng lưới hợp tác về KH&CN. Qua đó, đưa KH&CN trở thành động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững; tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển tổ chức và DN KH&CN đáng kể là tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&CN triển khai hỗ trợ ươm tạo DN tiềm năng trở thành DN KH&CN; hỗ trợ kinh phí cho DN đa dạng hóa sản phẩm hoặc đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ mới để tạo sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức KH&CN do bộ, cơ quan trung ương quyết định thành lập, 19 đơn vị sự nghiệp có hoạt động KH&CN do địa phương trực tiếp quản lý; trong đó, có 2 DN được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN gồm: Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam.

Các DN KH&CN là cầu nối đưa nhanh tiến bộ KH&CN ứng dụng vào sản xuất, đời sống và tạo ra những sản phẩm KH&CN có giá trị gia tăng cao, đồng thời mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu khoa học khi tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ đầu tư của xã hội cho KH&CN. Đơn cử, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố đã phối hợp nghiên cứu, chuyển giao các loại giống cây trồng có khả năng chịu hạn, năng suất cao, phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu ở tỉnh ta, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán của công ty ngày càng được mở rộng, đảm bảo phù hợp từng xứ đồng, khắc phục tình trạng nghèo nàn về chủng loại giống hiện nay. Bên cạnh các loại giống cây trồng cạn đã đưa vào sản xuất trên quy mô lớn, công ty cũng đã lai tạo, chuyển giao giống lúa Chế biến 3988, giống lúa An Sinh 1399... có khả năng chịu hạn cao.

Cán bộ Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Ninh Thuận nghiên cứu
và thử nghiệm nấm linh chi. Ảnh: V.Miên

Nhận thức rõ tầm qua trọng của đội ngũ cán bộ KH&CN trong công cuộc đổi mới và phát triển, tỉnh đã đề ra chính sách nhằm thúc đẩy sự lớn mạnh của lực lượng này. Kết quả hiện nay đội ngũ cán bộ KH&CN của tỉnh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tính đến nay, đội ngũ trí thức trong các tổ chức KH&CN và các đơn vị sự nghiệp có hoạt động KH&CN của tỉnh là 737 người, trong đó 5 tiến sĩ, 114 thạc sĩ, 569 đại học, cao đẳng và 49 trình độ khác.

Đội ngũ cán bộ KH&CN là lực lượng nòng cốt đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động KH&CN của tỉnh, đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn vừa qua, điển hình như: Trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc, đã giúp nông dân đổi mới phương pháp sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhân rộng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, canh tác theo quy trình VietGAP. Trong nghiên cứu phát triển cây nho đã tuyển chọn và đưa vào sản xuất các giống nho mới, xây dựng quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh, áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến... đã góp phần chủ yếu trong việc đưa cây nho trở thành cây trồng đặc trưng của tỉnh; trong phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản đã nghiên cứu thử nghiệm các quy trình nuôi, sinh sản nhân tạo, điều trị bệnh, đa dạng hóa đối tượng nuôi mới... đóng vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy nuôi trồng, khai thác thủy sản trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế chủ đạo của tỉnh.

Không dừng lại đó, để tăng cường tiềm lực KH&CN, giải pháp thúc đẩy hợp tác KH&CN cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện và ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Từ năm 2021 đến nay, Sở KH&CN đã tổ chức đoàn công tác làm việc trực tiếp với 5 vụ, cục thuộc Bộ KH&CN; 5 trường đại học; 30 viện, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài tỉnh và 4 DN trên địa bàn tỉnh, trong đó hầu hết là các đơn vị KH&CN đầu ngành của quốc gia như: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu và phát triển vùng... Nội dung làm việc bước đầu tập trung trao đổi về khả năng hợp tác tiếp nhận, chuyển giao, nhân rộng các quy trình, công nghệ sản xuất, các loại giống cây trồng, vật nuôi mới.

Sau khi được UBND tỉnh ủy quyền ký kết các hoạt động hợp tác về KH&CN, Sở KH&CN đã ký kết chính thức bản ghi nhớ hợp tác với 3 đơn vị, gồm: Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Hiện nay, sở đang tiếp tục thương thảo, điều chỉnh bổ sung các nội dung, điều kiện hợp tác với một số tổ chức KH&CN khác. Ngày 16/6/2023, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh chính thức ký kết Chương trình phối hợp hoạt động về KH&CN và đổi mới sáng tạo giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh, giai đoạn 2023-2030.

Nhìn lại hoạt động KH&CN từ năm 2020 đến nay đạt được một số kết quả nhất định, qua đó đã góp phần nâng cao tiềm lực KH&CN của tỉnh. Công tác hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được tăng cường; công tác xây dựng mạng lưới hợp tác về KH&CN được mở rộng. Đội ng trí thức KH&CN được quan tâm đào tạo và đã có nhiều nghiên cứu đóng góp quan trọng vào công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân đổi mới phương pháp sản xuất ở vùng nông thôn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.