Phát hiện trên dựa vào hình ảnh mới từ Kính thiên văn Event Horizon (EHT), trong đó lần đầu tiên cho thấy dưới ánh sáng phân cực, một vòng các trường điện từ bao quanh hố đen Sagittarius A* nằm ở trung tâm Dải Ngân hà.
ESO cho biết, các trường điện từ này tương tự những trường điện từ quan sát được quanh hố đen M87* ở trung tâm của Thiên hà M87. Điều này cho thấy trường điện từ mạnh có thể là đặc điểm chung của tất cả các hố đen.
Các hố đen siêu lớn nằm ở trung tâm của các thiên hà, có khối lượng gấp hàng triệu, thậm chí hàng tỷ lần Mặt Trời. Các hố đen này được cho là xuất hiện rất sớm trong vũ trụ nhưng quá trình hình thành của chúng vẫn là một bí ẩn. Không một vật chất nào có thể thoát khỏi lực hấp dẫn của những hố đen siêu lớn, kể cả ánh sáng, do đó không thể quan sát trực tiếp các hố đen này.
Hình ảnh đầu tiên của hố đen siêu lớn tại khu vực Sagittarius A* ở trung tâm của Dải Ngân hà được công bố ngày 12/5/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Tuy nhiên, đối với các hố đen M87* quan sát được vào năm 2019 và Sagittarius A* vào năm 2022, EHT đã ghi lại được quầng sáng được tạo ra bởi dòng vật chất và khí mà các hố đen hút vào và đẩy ra. EHT là mạng lưới gồm 8 kính thiên văn vô tuyến trải dài từ Nam Cực đến Tây Ban Nha và Chile.
Ông Angelo Ricarte, thành viên của Sáng kiến hố đen Harvard và là đồng trưởng nhóm dự án cho biết: "Bằng cách chụp ảnh ánh sáng phân cực từ khí nóng rực gần hố đen, chúng tôi phỏng đoán trực tiếp cấu trúc và độ mạnh của các trường điện từ xoáy quanh hố đen".
Theo TTXVN/Báo Tin tức