Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Xác định vai trò quan trọng của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng nghề phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm gần đây, các cơ sở GDNN không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Với phương châm lấy người học làm trung tâm và đào tạo những gì xã hội cần, những năm qua, Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Ninh Thuận luôn đổi mới phương thức gắn kết giữa đào tạo, xây dựng cơ chế xã hội trong đào tạo một số ngành nghề phù hợp với doanh nghiệp (DN) và người sử dụng lao động. Nhà trường thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các DN, đưa học sinh đến thực tập để các em có điều kiện thực hành, nâng cao tay nghề gắn với nhu cầu của DN. Nhờ vậy, chất lượng đào tạo được nâng cao, học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của nhà tuyển dụng, tỷ lệ HSSV tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt từ 80-85%. Đơn cử như anh Sầm Lượng Ka Hua, cựu sinh viên ngành điện công nghiệp khóa 13, sau khi tốt nghiệp đã được Nhà máy điện gió Phước Minh (Thuận Nam) tuyển dụng giữ chức vụ Điều hành viên với thu nhập ổn định. Hay như chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, tốt nghiệp nghề quản trị khách sạn nay đang làm việc tại Resort Amanoi...

Giờ học Cơ điện tử của học viên, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.

Thầy giáo Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Ninh Thuận cho biết: Để đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, bên cạnh việc nâng cao trình độ, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học từng bước đồng bộ, hiện đại; xây dựng giáo trình, chương trình dạy và học phù hợp, hiệu quả... nhà trường đặc biệt quan tâm, chú trọng việc liên kết, phối hợp với các DN trong quá trình đào tạo, coi đây là giải pháp “then chốt” để chất lượng học viên sau tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn của DN. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết, nhà trường mời DN tham gia hội đồng trường, xây dựng chương trình, giáo trình, giảng dạy, hướng dẫn thực tập; DN hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm, tiếp nhận học viên thực tập, phối hợp giảng dạy, trao đổi thực tế và tuyển dụng các học viên đáp ứng yêu cầu... Hiện nay, Trường CĐ Nghề Ninh Thuận đã chủ động liên kết, ký kết hợp tác đào tạo từ 70-80 DN trong và ngoài tỉnh, với nhiều ngành, lĩnh vực như: Điện - điện tử, cơ khí, nhà hàng - khách sạn, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô... thuộc các DN như: Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt; Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận, Công ty May Tiến Thuận, May Hoa In, Tập đoàn Trung Nam... Qua đó kết nối giúp nhiều SV sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định, với thu nhập từ 4,5-10 triệu đồng/tháng.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng

Hoạt động GDNN những năm qua luôn được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, trong đó việc thành lập Hội đồng GDNN cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước là minh chứng rõ nét nhất. Việc hình thành mô hình Hội đồng GDNN sẽ là giải pháp tối ưu để giải bài toán về quản lý, liên kết để có chất lượng giữa bên cung và bên cầu về thị trường lao động. Các cơ sở GDNN chủ động hơn khi tìm đến DN và các DN cũng tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường đặt hàng đào tạo. Từ đó, khả năng có việc làm, thu nhập ổn định của HSSV sau khi tốt nghiệp tăng lên, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò của GDNN. Trong năm 2024, Hội đồng GDNN tỉnh tiếp tục hoàn thiện mô hình hội đồng GDNN; triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển GDNN; tổ chức hiệu quả Tiểu ban Năng lượng và Du lịch; thành lập Tiểu ban Tư vấn phát triển nhân lực lĩnh vực nông nghiệp đặc thù do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm Trưởng tiểu ban thành lập...

Giờ thực hành cơ điện tử của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: Mỹ Dung

Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN, giai đoạn vừa qua, tỉnh đã tổ chức rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại mạng lưới cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý. Theo phương án sắp xếp, tổ chức lại, UBND tỉnh sẽ điều chuyển nhiệm vụ GDNN từ 3 Trung tâm GDNN - GDTX huyện Ninh Phước, Ninh Sơn và Thuận Bắc về Trường CĐ Nghề Ninh Thuận. Cùng với việc sắp xếp lại hệ thống các cơ sở GDNN, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cũng được quan tâm đầu tư theo danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu và nội dung chương trình đào tạo.

Ông Trần Đức Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó, cần tập trung tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GDNN, nhất là các quy định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chiến lược, quy hoạch, đề án về phát triển GDNN giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Phấn đấu đến cuối năm 2024 toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề đạt 9.500 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67-68% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%)...