(NTO) “Uống nước nhớ nguồn” vốn là truyền thống quý báu của dân tộc ta và nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống đó ngày càng thấm sâu trong mỗi người dân và được phát huy mạnh mẽ bằng phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đối với các gia đình liệt sĩ, thương, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và những người có công với nước. Đặc biệt, ngày 27-7 là dịp để người dân cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng hướng về những liệt sĩ , biết ơn và trân trọng những người thương binh anh hùng trong chiến đấu, cần cù và sáng tạo trong cuộc sống hôm nay. Như Bác Hồ đã nói: “… Ngày 27-7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”.
Đây còn là dịp để lớp người trẻ nhớ về những trang sử hào hùng của dân tộc, ghi ơn và qua đó tự nhắc mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh.
Đối với tỉnh ta, theo con số thống kê, toàn tỉnh có trên 35.000 người có công, trong đó có trên 4.500 liệt sĩ, hơn 2.500 thương, bệnh binh và 189 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những năm qua, thiết thực thực hiện phong trào “đền ơn đáp nghĩa” thông qua các nguồn đóng góp, ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong tỉnh, các nhà hảo tâm… toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 2.855 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 29,33 tỉ đồng. Trong số này có trên 731 căn nhà được xây dựng mới với kinh phí trên 12,18 tỉ đồng. Riêng trong năm nay tiến hành xây dựng 120 nhà tình nghĩa với kinh phí 2,4 tỉ đồng. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước còn quan tâm thực hiện nhiều chính sách ưu tiên như về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ phát triển kinh tế… Bằng sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và được sự quan tâm của toàn xã hội, đời sống của các gia đình chính sách ở nhiều địa phương trong tỉnh đã cải thiện đáng kể, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Trải qua 64 năm – kể từ ngày 27-7-1947, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) đã diễn ra lễ mít-tinh công bố ngày thương binh toàn quốc – Đảng và Nhà nước luôn quan tâm giải quyết vấn đề liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn” mỗi người trong chúng ta càng thấm sâu đạo lý “hiếu nghĩa, bác ái” và thể hiện bằng hành động cụ thể để “đền ơn đáp nghĩa” đồng thời cống hiến sức lực của mình để xây dựng quê hương, đất nước. Nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Chính họ (thương binh, liệt sĩ) đã làm rạng danh dân tộc. Các thế hệ người Việt Nam sẽ luôn tự hào và sống xứng đáng với tinh thần của họ”.
Ninh Thuận